Hà Nội thanh tra công vụ các quận, huyện có công trình vi phạm trên đất nông nghiệp

PV-Thứ tư, ngày 08/05/2024 22:07 GMT+7

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kết luận hội nghị

VTV.vn - Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra công vụ ở một vài đơn vị cấp huyện còn để xảy ra các công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều...

Sáng 8/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

Chủ trì phần tham luận ở hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP nhấn mạnh, với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP, lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC đã có chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân.

Xử lý điểm một vài vụ việc để cảnh tỉnh

Dù vậy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, lộ trình hoàn thành các phần việc được giao còn nhiều hạn chế; một số đơn vị còn thụ động; công tác quản lý còn bộc lộ nhiều bất cập.

Đánh giá việc khắc phục các bất cập, tồn tại trong PCCC ở các chung cư, nhà ở sản xuất kinh doanh còn chậm… Đại tá Dương Đức Hải đề nghị UBND phường Quan Hoa (Cầu Giấy) báo cáo về tiến độ cụ thể.

Lãnh đạo UBND phường Quan Hoa phản ánh khó xử lý chung cư mini vì không tìm được chủ; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên nhiều người, khi cơ quan chức năng mời lên làm việc thì đùn đẩy trách nhiệm và vẫn còn hộ dân thuê nhà thờ ơ với công tác PCCC.

Cho rằng giải pháp của cơ sở hiện nay đang dừng ở phần thống kê, khảo sát, đánh giá, tuyên truyền, khắc phục được rất hạn chế các công trình tồn tại PCCC và CNCH, Phó Giám đốc CATP nói: "Chuyện này không phải là của riêng phường Quan Hoa. Phải có giải pháp cấp bách. Hai giải pháp căn cơ là ngăn cháy và khi cháy thì phải có lối thoát hiểm thế nào. Các giải pháp phải có thời gian hoàn thành, lộ trình cụ thể".

Đại tá Dương Đức Hải cũng đề nghị UBND các quận huyện thị xã tăng cường kiểm tra xã, phường trực thuộc và cần "xử lý điểm một vài vụ việc để cảnh tỉnh". Về việc vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, Phó Giám đốc CATP điểm qua tỉ lệ còn thấp ở một số đơn vị và yêu cầu: "Tháng 1-2025 phải hoàn thành. Đây là trách nhiệm của chúng ta với người dân và cũng là trách nhiệm của chính người dân để bảo vệ mình.

Qua thống kê, người dân, các tổ liên gia, nhóm tự quản đã tự tổ chức, dập tắt tại chỗ trên 70% các vụ cháy trên địa bàn. Phải vận động 100% các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy tại chỗ. Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn về kinh tế của các hộ gia đình khó khăn. Cấp xã cần vận động xã hội hóa hỗ trợ các trường hợp này".

Phó Giám đốc CATP cũng nêu việc cần phải sớm đưa vào nhà trường giáo án, giáo cụ trực quan nội dung PCCC và CNCH chứ không dừng ở mức tuyên truyền như hiện nay.

Hà Nội thanh tra công vụ các quận, huyện có công trình vi phạm trên đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP chủ trì phần tham luận

Giải quyết căn cơ vi phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới

Đại tá Dương Đức Hải cũng cho biết, Hà Nội có số công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng lớn, nhiều công trình chưa được khắc phục.

"Đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát ngay từ ban đầu, không để xảy ra vi phạm. Phải làm việc với đơn vị vi phạm, đôn đốc người đứng đầu cơ sở khắc phục; cương quyết xử lý các công trình vi trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều…", Phó Giám đốc CATP kiến nghị.

Đại tá Dương Đức Hải đặc biệt nhấn mạnh tình trạng các công trình xây dựng tạm, cơ sở thu mua phế liệu, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang an toàn với đặc điểm chung là tạm bợ, không có giải pháp PCCC.

Từ báo cáo của xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, nơi để xảy ra vụ cháy làm chết người ở công trình vi phạm trên đất nông nghiệp), Phó Giám đốc CATP chia sẻ: "Cần quan tâm xử lý dứt điểm công trình vi phạm ở cấp huyện, xã; xử lý nghiêm các hành vi dung túng, bao che. Nếu cần thiết, đề nghị UBND TP tổ chức cho 30 quận huyện học tập kinh nghiệm của huyện Đan Phượng khi đã xử lý dứt điểm hơn 400 công trình vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới".

Phó Giám đốc CATP đề nghị UBND cấp huyện bố trí vốn xây dựng bể nước, đường ống dẫn nước ở các khu vực xe chữa cháy không tiếp cận được; vận động người dân, các hộ kinh doanh lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy tự động, chuông báo cháy.

CATP cũng sẽ tham mưu UBND TP xác định rõ trách nhiệm tới từng ngành, từng lực lượng, từng cấp để khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn biểu dương CATP đã có báo cáo chi tiết, nêu thực trạng toàn cảnh hiện nay về công tác PCCC và CNCH.

Đánh giá tình hình cháy nổ hết sức phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết: "Nhiều nơi thậm chí còn chưa xây dựng kế hoạch. Công tác PCCC ở cơ sở hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra cháy với hậu quả đáng tiếc".

Vì thế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhắc nhở các đơn vị phải vào cuộc tích cực hơn và "Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ kinh phí trong việc hỗ trợ bình chữa cháy cho các hộ khó khăn, người nghèo".

Bên cạnh đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sắp có hiệu lực, CATP Hà Nội cần tính toán các lực lượng tham gia PCCC và CNCH ở cơ sở.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng lưu ý việc giáo dục, hình thành kỹ năng PCCC&CNCH cho thanh thiếu niên từ sớm; UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra.

"Các sở, ngành cần lập tổ công tác hỗ trợ các quận, huyện, thị xã. Thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra công vụ ở một vài đơn vị quận, huyện còn để xảy ra các công trình vi phạm để siết chặt kỷ cương, kỷ luật", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP chỉ đạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước