Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, thành phố còn 129 ổ dịch đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng nhanh, cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm 2022.
Trong số các quận, huyện, Thanh Trì cũng là khu vực có số người mắc sốt xuất huyết ở mức cao. Đặc biệt, xã Vĩnh Quỳnh nổi lên như một "điểm nóng" khi chiếm hơn 70% số ca mắc của toàn huyện.
Nhiều hộ gia đình để ống nước thải chảy thẳng xuống kênh gây ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Hiện thôn Vĩnh Ninh là một trong những thôn có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất toàn xã với chỉ số bọ gậy (BI) ở mức 35. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy (BI) từ 20 trở lên.
Băng rôn được treo khắp nơi để tuyên truyền cho người dân. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực thôn Vĩnh Ninh, hệ thống mương nước bao vây quanh làng. Nhiều khu vực tại đây vẫn ngập trong rác, phế thải. Rác thải, túi ni-lông, bùn đất đọng lại, ngăn cản dòng chảy càng khiến gia tăng nguy cơ xuất hiện dịch sốt xuất huyết. Các biển cấm vứt rác được cắm tại nhiều nơi, song người dân vẫn không chấp hành theo.
Tình trạng rác thải vứt tràn lan ở xã Vĩnh Quỳnh tạo thành những "ổ" muỗi giữa lúc ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Đa phần người dân trong thôn cho biết, trước đây hệ thống kênh mương rất sạch. Tuy nhiên, đây là vùng trũng của huyện Thanh Trì, đến vụ mùa nước từ sông Tô Lịch, sông Nhuệ kèm chất bẩn cũng chảy về.
"Cứ đến mùa mưa, nước thải từ các nơi lại tràn về khiến dòng kênh càng ô nhiễm. Có lúc người dân phải mắc màn ăn cơm. Nhìn cảnh tượng đó mà ám ảnh", bà T. nói.
Nhiều người dân mong muốn các cấp chính quyền có phương án để dọn dẹp sạch sẽ con mương này để người dân có cuộc sống trở nên tốt hơn. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Cũng theo bà T, ở thôn Vĩnh Ninh đang còn nhiều ổ dịch. Nhiều gia đình vẫn chưa ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Nước thải chảy ra sông, mương tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm.
"Cháu tôi bị sốt xuất huyết phải nằm viện cả tuần. Cơ thể luôn sốt và mệt mỏi. Ở thôn đã có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nên tôi rất lo sợ", bà T. nói.
Rác thải phủ kín kênh mương. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Đại diện UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, xã đã cử cán bộ đến phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn có những hộ dân không chú ý đến các việc trong phòng dịch như đậy kín bể nước mưa, không nước đọng trong chậu cây, vườn nhà, vứt rác đúng nơi quy định... khiến muỗi và bọ gậy sinh sôi.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Dự báo, thời gian tới, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Bọ gậy dày đặc dưới nước, ruỗi muỗi bay khắp nơi. Bọ gậy là dạng ấu trùng của muỗi - nguyên nhân chính gây nên dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Thành phố sẽ tiến hành giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch tại các quận, huyện: Phú Xuyên, Tây Hồ, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân.
CDC thành phố cũng yêu cầu, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!