Hà Nội: Trồng rau, bắt cá… trong công viên

Chuyển động 24h-Thứ hai, ngày 11/04/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một số công viên tại Hà Nội đang sử dụng sai mục đích trong khi không gian vui chơi công cộng cho người dân khan hiếm.

Công viên có cỏ tốt nhưng rau còn tốt hơn. Những vườn rau được rào chắn cẩn thận, phân luống rõ ràng. Được chăm chút thường xuyên, những luống rau này đã mang lại cho người trồng sản lượng không hề nhỏ và tất nhiên, trong vườn không có cỏ.

Người trồng rau thì tận dụng đất bỏ hoang còn nguồn lợi thủy sản trong hồ cũng được thu bắt, có thể bằng việc thú câu nhỏ lẻ hoặc cũng có thể bài bản, lâu dài hơn với nhà ven hồ, camera giám sát, lưới bát quái hay đó.

Và tất nhiên, ngoài nguồn lợi thủy sản hay rau củ thì có vẻ như công việc này đã giúp công viên bớt rác, bớt hoang hóa.

Theo đại diện UBND quận Long Biên, tình trạng hoang tàn, xuống cấp của công viên này là do nỗ lực xã hội hóa để đầu tư và khai thác từ năm 2015 không thành công vì vướng các quy định. Việc chỉnh trang công viên thực hiện không thuờng xuyên mà chỉ trong những thời điểm phục vụ ngày lễ Tết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất Quận Long Biên, Hà Nội, hiện kế hoạch cải tạo công viên này đã hoàn tất và dự kiến sẽ khởi công vào quý III năm nay với tổng kinh phí dự kiến gần 80 tỷ để kịp trở thành một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận Long Biên…

Công viên, vườn hoa, những không gian xanh phục vụ cộng đồng ngày càng trở nên quý hơn giữa Thủ đô khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Và tất nhiên, đã quý thì việc khai thác, sử dụng càng là một bài toán khó. Làm thế nào để phát huy tối đa được hiệu quả sử dụng của công viên, vườn hoa mà vẫn giữ được giá trị không gian xanh của nó bởi thực tế, đã có công viên được khai thác, sử dụng ở mức phá vỡ không gian xanh của công viên.

Giá trị công viên: Khai thác hay tàn phá không gian xanh

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, chính diện con đường lớn từ cổng vào là trung tâm tổ chức sự kiện. Xe đạp, xe máy và đương nhiên là không thể thiếu ô tô tấp nập ra vào đường lớn, đường nhỏ thậm chí là đi cắt ngang qua mặt sân công viên.

Ông Phùng Hữu Long (TP Hà Nội) cho biết: "Không có nề nếp gì cả, các loại xe đi cả vào trong công viên, có lúc còn đâm cả vào người đi bộ".

Và khi một việc không theo nề nếp, quy định ở tấm biển nội quy cũng nhanh chóng bị mặc kệ trong nhiều việc khác: Không bán hàng đương nhiên là có bán hàng, thậm chí là rất nhiều hình thức, trà đá, quán cà phê, quán bia thêm cả cửa hàng rửa xe. Thật may, vẫn có việc đúng quy định như nuôi gà chẳng hạn vì bảng chỉ cấm không chăn thả gia súc mà gà chắc chắn là gia cầm.

Chiều tại công viên Thống Nhất, lượng người dân đến vui chơi rất lớn. Và với nhiều người dân, dù công viên đã có cảnh quan nhưng vẫn cần thêm các dịch vụ khác kể cả phải trả phí.

Tới đây, công viên Thống Nhất sẽ được nâng cấp, cải tạo theo hướng mở. Bài toán khai thác và giữ gìn giá trị của công viên có lịch sử lâu đời này đang được đặt ra, nhất là khi công viên được định hướng cải tạo theo hướng mở.

Cùng với công viên Thống Nhất, 44 trong tổng số 63 công viên, vườn hoa của Hà Nội cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp theo mức độ khác nhau để duy trì ổn định cảnh quan, đồng bộ phục vụ nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước