Gần 3.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 được xác định là hàng lậu đồng thời là thứ phải bỏ đi vì không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường. Trên nhãn mác, thông tin cho thấy những bộ xét nghiệm này được sản xuất tại Trung Quốc nhưng không rõ doanh nghiệp nào, đơn vị nào nhập khẩu và cũng không được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Trong khi theo quy định, mặt hàng xét nghiệm COVID-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế thì mới đủ điều kiện kinh doanh mua bán.
Ông Nguyễn Phi Hiển, Phó Đội trưởng Đội QLTT Số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết "Những sản phẩm này không có hóa đơn chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt Nam, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả của xét nghiệm và gây đánh giá nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Người dân nên dùng những sản phẩm được cấp phép của Bộ Y tế và nên dùng những sản phẩm có hóa đơn chứng từ đầy đủ để công tác phòng chống dịch được hiệu quả".
Theo khai nhận của chủ hàng, số hàng này được mua trôi nổi trên các trang mạng điện tử. Sau khi đặt tiền, người bán sẽ giao hàng. Mức giá bán ra thị trường chỉ 50.000 đồng/test. Tuy rẻ hơn nhiều loại xét nghiệm khác nhưng chất lượng thì chẳng có gì đảm bảo.
"Thường các đối tượng sẽ kết nối và liên lạc với nhau qua mạng xã hội, sau đó hẹn nhau ở những địa điểm công cộng để giao dịch hàng hóa bằng tiền mặt và sẽ vận chuyển bằng ô tô để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Chúng tôi cũng luôn cố găng triệt phá và có những phương thức đấu tranh để phòng ngừa các hiện tượng này để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân'', Thiếu tá Nguyễn Đức Đan, Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm.
Ước tính trị giá lô hàng vào khoảng 180 triệu đồng. Ngoài việc bị tịch thu và tiêu hủy, nếu đề xuất được thông qua, thì chủ hàng bị phạt thêm 90 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 20 vụ vi phạm liên quan đến các mặt hàng phòng chống dịch, với trị giá tiền hàng hơn 2,2 tỷ đồng.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội: "Làm rõ trách nhiệm cán bộ địa bàn nếu không hoàn thành nhiệm vụ".
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tất cả các vụ vi phạm liên quan các các mặt hàng phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý ở mức độ nặng nhất theo quy định để răn đe các trường hợp khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!