Trước thực trạng nhiều vụ cháy xảy ra liên tục, gây thương vong trên địa bàn Thủ đô, thành phố Hà Nội đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó, kêu gọi người dân mở "lối thoát nạn thứ 2" để phòng hỏa hoạn.
Trước đây, ông Hiệp (ở Phường Trúc Bạch, Quận Ba Đình) nghĩ rằng có khung sắt bao bọc xung quanh nhà như vậy sẽ an tâm hơn khi chống trộm cắp không thể xâm nhập. Tuy nhiên, khi được cán bộ tuyên truyền, ông đã hiểu rằng, khi cháy nổ xảy ra, lực lượng chức năng sẽ khó tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người, do đó, việc có thêm một lối thoát hiểm phòng cháy là thực sự cần thiết.
Ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND Phường Trúc Bạch cho biết: "Lối thoát hiểm thứ 2 đa dạng có thể ở trên tầng thượng hoặc bố trí ngay các tầng dưới. Tùy từng mô hình, kiến trúc, chúng tôi sẽ tư vấn cho người dân, làm sao để từ các khu vực trong nhà có thể di chuyển đến lối thoát hiểm thứ 2 nhanh nhất".
Tuy nhiên việc mở lối thoát nạn thứ 2 đối với những dãy nhà san sát trong những con ngõ hẹp và dài hàng trăm mét là khó khả thi và phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người dân.
Tùy thuộc vào địa hình và mật độ dân cư khác nhau, mỗi phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức những mô hình phòng cháy chữa cháy với đặc thù riêng.
Theo một thành viên Mô hình Khu dân cư PCCC Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình, nhiều người dân ban đầu không đồng tình vì họ đã xây 'chuồng cọp' để chống trộm, đảm bảo an ninh. Nhưng sau khi được tuyên truyền, các gia đình đều rất ủng hộ việc này. Sau đó, mô hình còn huy động tặng cho các hộ các bình chữa cháy, hướng dẫn họ xử lý các tình huống nguy cấp.
Thượng tá Hoàng Hà Trung - Phó Trưởng Công an Quận Ba Đình cho biết hiện đã có 91% hộ gia đình và 86% hộ nhà ở kết hợp với kinh doanh tại địa bàn quận mở lối thoát hiểm thứ 2.
Đối với các khu tập thể, chung cư cũ và tại nhà riêng một số hộ dân tự cơi nới "chuồng cọp" chưa thể cải tạo, xây mới, việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này là giải pháp tình thế nhưng rất cần thiết. Về lâu dài, việc mở lối thoát nạn thứ 2 thay vì chỉ dừng ở vận động, khuyến khích cần luật hóa theo các yêu cầu, quy định bắt buộc khi cấp phép xây dựng hay sửa chữa nhà ở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!