Ùn tắc kéo dài ở hầm chui Lê Văn Lương hướng từ quận Nam Từ Liêm về Thanh Xuân giờ cao điểm
Theo đánh giá của Bộ GTVT, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang có xu hướng tăng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào thành phố. Nguyên nhân do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Ví dụ vào các đợt lễ lớn dịp 30/4 hoặc mừng Quốc khánh 2/9, các cửa ngõ như Pháp Vân, Cổ Linh, Mai Dịch luôn trong tình trạng ùn ứ, di chuyển rất khó khăn. Thậm chí kéo dài nhiều giờ đồng hồ mới thoát ra khỏi các nút giao này.
Thống kê tại Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2023, thành phố đã rà soát trên địa bàn phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, nâng tổng số điểm đen ùn tắc lên 37 điểm.
Ngoài nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, còn có nguyên nhân do các rào chắn thi công các dự án gây hẹp lòng đường (17 điểm), do hạ tầng chưa đồng bộ (10 điểm) và do quá tải kết cấu hạ tầng (10 điểm). Cụ thể như tại đường Nguyễn Xiển, khi làm các lô cốt được dựng lên để thi công dự án nhà máy nước Yên Xá cũng đã gây ra tình trạng ùn tắc lớn vào giờ cao điểm. Chị Nguyễn Thanh Diệu, quận Hoàng Mai chia sẻ: "Tôi sống ở khu HH Linh Đàm, đi làm ở Thanh Xuân, mỗi buổi sáng di chuyển trên Nguyễn Xiển đi qua được ngã tư giao Nguyễn Trãi là cả một nỗi vất vả, các xe chen nhau, thậm chí leo hết vỉa hè cũng không thể di chuyển được".
Hàng dài xe nối đuôi nhau di chuyển tại tuyến đường Nguyễn Xiển và thường xuyên đông đúc giờ cao điểm.
Một chuyên gia giao thông cho biết: "Trong những năm qua, lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô tăng mạnh, trong khi đó nếu đi về hướng Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình, vẫn chỉ có 1 tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì tắc nghẽn giao thông sẽ ngày càng trầm trọng là điều dễ hiểu".
Một tài xế taxi của một hãng tại Hà Nội cũng cho biết: "Tôi ngại đi qua Ngã Tư Sở giờ cao điểm, lúc này xe sẽ dồn tắc mọi hướng. Dù đường trên cao đã lưu thông nhưng do như một nút thắt cổ chai, nếu các xe đồng loạt đổ xuống thì việc xếp hàng kéo dài, di chuyển chậm từng mét liên tục xảy ra, đôi khi đi qua đây còn ảnh hưởng đến cả giờ giấc của khách nữa".
Ngã Tư Vọng bớt ùn tắc, lưu thông thông thoáng nhưng Hà Nội lại phát sinh các điểm ùn tắc khác
Trước đó trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội cũng đã thống kê việc xử lý được 3/37 điểm giao thông hay tắc nghẽn bao gồm nút giao Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo, nút giao Đại La – Trần Đại Nghĩa và Ngã Tư Vọng. Ngoài ra, tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú từ phía Hà Đông về trung tâm thành phố, kể từ khi hoạt động tuyến tàu sắt Cát Linh – Hà Đông cũng giúp giảm áp lực giao thông ở khu vực này hơn so với trước. Nhiều người dân mong các tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội cũng sớm hoạt động để bớt đi thêm nhiều điểm ùn tắc do người dân giảm dùng phương tiện cá nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!