Nhận định trên không chỉ dành cho vùng ĐBSCL mà với cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khi hiện nay mực nước nhiều sông suối ở khu vực này vẫn tiếp tục giảm sâu, thậm chí được dự báo còn thấp hơn mức trung bình của nhiều năm qua từ 60 đến 80%.
Nếu như năm 2015 được xem là năm nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 60 năm qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khiến đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn thì ngay trong đầu năm 2016, tình hình hạn hán ở khu vực này còn được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí khốc liệt hơn cả năm ngoái.
Điểm đặc biệt là hạn hán năm nay đến sớm hơn 1 tháng so với các năm trước và dự báo sẽ kéo dài tới tận tháng 6. Trong khi đó, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa ít khiến dung tích trữ nước tại nhiều hồ chứa Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 50% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ chỉ còn 30%. Đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích của 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn khoảng 68 triệu m3, chưa bằng 35% dung tích thiết kế. Do thiếu nước, nhiều người dân đã phải đi mua nước để sinh hoạt với giá lên tới gần 100.000 đồng một khối.
Cũng do ảnh hưởng của hạn hán, khoảng 26.000 ha đất ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận buộc phải dừng sản xuất. Tại Gia Lai, nhiều người dân vùng sâu của huyện Chư Sê đang tái nghèo trở lại. Do thiếu nước, người dân phải bán hết đàn gia súc; ruộng nương chỉ làm được mỗi năm 1 vụ. Đặc biệt, trong số 700.000 ha rừng của địa phương này thì hơn một nửa có nguy cơ cháy rất cao.
Còn tại Kon Tum, dự báo vào tháng 3, 50% hộ dân sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.