Sáng 31/1 (mùng 10 tháng Giêng), hàng chục nghìn Phật tử và du khách thập phương đã đổ về tham gia lễ khai Hội Xuân Yên Tử 2023 tại thành phố Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh, sau 2 năm tạm dừng do dịch COVID-19.
Quang cảnh Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2023. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN
Từ sáng sớm, rất đông các đoàn Phật tử và du khách từ khắp cả nước đã hành hương về khu di tích và danh thắng Yên Tử - trung tâm Phật giáo lớn của cả nước để tham gia khai hội với các nghi lễ rước kiệu, dâng lễ, gióng trống, thỉnh chuông, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay cũng có nhiều hoạt động đặc sắc như đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa lân, múa rồng, võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; văn hóa ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Quang cảnh Lễ khai hội Xuân Yên Tử 2023. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN
Sau 2 năm không tổ chức các hoạt động phần hội do đại dịch COVID-19, Hội Xuân Yên Tử 2023 được dự báo sẽ đón lượng khách hành hương, chiêm bái lễ Phật tăng đột biến. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn sàng phương án đón khách, chú trọng các vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh lễ hội…, đặc biệt trong những ngày cao điểm, lượng khách quá đông gây ùn tắc.
Hiện nay tuyến đường giao thông vào di tích đã mở rộng, khu vực bãi đỗ xe, phân luồng giao thông được kết nối tốt, cùng với đó là các phương án đảm bảo an toàn giao thông… Trong suốt tuyến đường hành hương, các tuyến cáp treo cũng được vận hành thông suốt, đảm bảo không ùn tắc, thuận lợi cho du khách.
Tong năm 2023, thành phố Uông Bí đặt mục tiêu đón khoảng 2,4 triệu lượt, với trên 1 triệu lượt khách về Yên Tử.
Danh sơn Yên Tử là địa linh, phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nước đã thanh bình, Ngài tự nguyện rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật.
Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc lâm và vua Trần Nhân Tông là đức Phật của đất nước Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt bởi nơi đây ông cha ta để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt.
Tinh thần Phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo. Với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn đó, ngày nay, Yên Tử trở thành báu vật vô giá, niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!