Cưỡi voi đã trở thành hình ảnh gắn liền với du lịch Tây Nguyên trong nhiều năm. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk- nơi có số lượng voi lớn nhất cả nước, chỉ còn khoảng 37 con voi nhà, phần lớn đang phục vụ cho dịch vụ cưỡi voi.
Vậy đằng sau niềm vui của du khách và chủ voi thì những chú voi cảm thấy điều gì? Và tương lai của voi Tây Nguyên sẽ ra sao nếu con người không có cách ứng xử khác?
Niềm vui của khách du lịch được đánh đổi bằng tự do của biểu tượng sức mạnh đại ngàn. Nhưng cách đó chỉ vài cây số, cũng là những chú voi nhà nhưng được tự do trong thiên nhiên dù chúng cũng đang làm du lịch. Những con voi tham gia mô hình này được tự do đi lại, tự do lựa chọn đồ ăn và tự do kết bạn.
Đó là những yếu tố du lịch thân thiện với voi đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, mới chỉ 8 trên 37 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk tham gia mô hình này.
Cần có những thay đổi trong cách ứng xử với voi để những chú voi mạnh mẽ hạnh phúc trong tự nhiên.
Đáng nói là khách đến tour cưỡi voi vẫn đông hơn. Mùa cao điểm du lịch, mỗi tháng voi có thể kiếm cho chủ voi 30 triệu. Voi là loài thông minh và nhạy cảm. Không được sống trong môi trường tự nhiên và hạnh phúc, liệu voi có thể sinh sôi?
Được thả tự do trong rừng cũng tạo thêm cơ hội cho voi nhà gặp gỡ kết bạn nhưng việc sinh sản cũng không hề dễ dàng. Dẫu mức thu nhập thấp hơn so với làm dịch vụ cưỡi voi nhưng tình yêu với người bạn khổng lồ đã đưa một số nài theo chân voi vào rừng.
Các chủ voi thường chọn đặt những cái tên rất kêu. Y'Khun có nghĩa là chàng trai mạnh mẽ, Bun Khăm là cô gái vàng… Nhưng để voi có một cuộc sống đẹp như những cái tên ấy, cần nhiều hơn từ tình yêu thương của con người, cần có những thay đổi trong cách ứng xử với voi. Đó cũng là cách để chúng ta còn được nhìn thấy hình ảnh của những chú voi mạnh mẽ hạnh phúc trong tự nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!