Chiều 19/11, tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" do Ủy ban nhân dân (UBND) TP trình.
Theo Tờ trình của UBND TP Hà Nội, đề án có mục tiêu là định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho Thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết tại Kỳ họp
Theo kinh nghiệm thế giới thì việc phát triển hệ thống ITS (Hệ thống Giao thông Thông minh) được hình thành phát triển qua 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 (giai đoạn kiện toàn hình thành); Giai đoạn 2 (mở rộng và phát triển); Giai đoạn 3 (Phát triển bền vững).
Lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của Thành phố theo 3 giai đoạn cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (2025-2027)
Hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà nội, trong đó có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 09/12 chức năng, bao gồm: (1) Giám sát giao thông; (2) Cung cấp thông tin giao thông; (3) Điều khiển giao thông; (4) Hỗ trợ xử lý vi phạm TT ATGT; (5) Quản lý GTCC; (6) Quản lý đỗ xe; (7) Quản lý sự cố; (8) Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; (9) Quản lý thanh toán vé điện tử GTCC.
Giai đoạn 2 (2028-2030)
Mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); Mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông Thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 3 (Từ sau 2030)
Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Đề án cũng đưa ra 3 nhóm cơ chế chính sách. Theo đó, Nhóm 1 về Chính sách về cơ cấu tổ chức gồm:
- Phê duyệt Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án làm cơ sở triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh Hà Nội.
- Nâng cấp Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông Thành phố trong đó hình thành bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh.
- Ban hành quy chế quản lý, vận hành và khai thác hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội, trong đó quy định về cơ chế phân nhiệm, phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức tham gia hệ thống giao thông thông minh.
- Xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố Hà Nội trong công tác quản lý, điều hành giao thông thành phố.
- Các quy định về phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải trong vận hành, khai thác hệ thống giao thông thông minh
Nhóm 2 về Chính sách về đầu tư gồm:
- Các cơ chế khuyến khích hợp tác công tư trong xây dựng, vận hành các cấu phần của hệ thống giao thông thông minh.
- Các cơ chế khuyến khích hoạt động đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
Nhóm 3 về Chính sách về kỹ thuật gồm:
- Ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức và đơn giá đối với hệ thống giám sát, điều khiển giao thông trên địa bàn thành phố.
- Quy định về kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý điều hành giao thông.
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội được thông qua giao Ủy ban nhân dân Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố để hoàn thiện nội dung của Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" và ban hành theo quy định của pháp luật.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" theo quy định, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Trong quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh kịp thời theo quy định.
HĐND giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân và các Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Chiều 19/11, kỳ họp chuyên đề - Kỳ họp thứ 19 HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
HĐNĐ TP đã thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 15 Nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung, quy định, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để kịp thời triển khai thi hành Luật Thủ đô và tháo gỡ, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn phát triển của Thành phố.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp
Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, ngay sau kỳ họp UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để bảo đảm các nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, các nghị quyết được HĐND Thành phố ban hành tại kỳ họp này về tổ chức bộ máy, biên chế; phân cấp, ủy quyền; cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công và các quy định khác về xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô là nhóm chính sách mới để triển khai, thi hành Luật Thủ đô.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND Thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự đồng thuận và nhận thức cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Việc tổ chức triển khai thực hiện cần đảm bảo nguyên tắc "đồng bộ, hiệu quả, khách quan, công khai, minh bạch", đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện của Thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!