Người dân ở nhiều vùng quê đã bỏ ra không ít tiền đầu tư vào một mô hình kinh doanh được quảng cáo hái ra tiền. Lợi nhuận thu về tăng theo cấp số nhân. Nhưng giấc mộng làm giàu không những phi hiện thực mà lại là trái đắng.
Bà Năm là một người đã bỏ hơn 100 triệu để mua hàng và đầu tư, mong hưởng siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ và thấy nhiều bất thường trong hàng hóa cũng như phương thức bán hàng đa cấp, bà đã gửi đơn khiếu nại lên Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hà Tĩnh mong được hỗ trợ đòi lại tiền của mình.
Sau nhiều tháng nhờ sự can thiệp của Hội bảo vệ người tiêu dùng, bà Năm mới đòi được 90 triệu, nhưng 10 triệu không thể đòi được. Tuy nhiên, đó là trường hợp may mắn.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Văn ở Hương Khê, Hà Tĩnh nuôi 3 con nhỏ, làm nghề bán rau, thu nhập bấp bênh 60.000 - 70.000 đồng/ ngày nên gia cảnh khó khăn. Nghe lời mời gọi hấp dẫn của người quen, chị đã gom góp tất cả 5 triệu tiền dành dụm của gia đình, vay mượn thêm hơn 5 triệu nữa và giấu gia đình mua một gói sản phẩm trong đường dây bán hàng đa cấp. Khi mua xong, nghe nhiều người phân tích rủi ro không lấy lại được tiền, lại nơm nớm lo gia đình biết, chị tìm lại người quen rủ tham gia để đòi tiền nhưng không được.
Sợ mất tiền ai cũng xót xa nhưng đau đớn hơn là mãi mãi mất đi người thân như gia đình bà Nguyễn Thị Dinh. Bắt đầu với khoản đầu tư 170 triệu, sau một thời gian ngắn được lĩnh tiền về, được cho đi du lịch trong và ngoài nước nên bà Dinh rất mực tin tưởng đến mức cầm cố sổ đỏ ngôi nhà của gia đình đang ở để vay thêm 500 triệu tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, áp lực trả nợ ngân hàng trong khi không biết có lấy lại được tiền hay không đã biến một người bình thường thành trầm cảm đến mức tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!