COVID-19 đã được kiểm soát tốt, xã hội đang dần trở lại trở lại cuộc sống bình thường. Những khó khăn mà đại dịch kéo dài gây ra cũng đang từng bước được giải quyết. Trong đó, đối tượng người lao động phổ thông luôn được đặc biệt quan tâm với những chính sách hỗ trợ cụ thể. Nhưng dù thế nào thì việc mỗi người người lao động phải chắt bóp, tìm cách xoay sở cuộc sống vẫn là điều bắt buộc bởi quá trình phục hồi kinh tế cho mỗi gia đình hay là cả xã hội cũng đều cần có thời gian.
Với chị Nguyễn Thị Nhàn (công nhân quê Nghệ An), thời gian và chi phí đều không cho phép chị mang 2 con ra Hà Nội chăm sóc nên mọi sự quan tâm của người mẹ cũng chỉ qua những cuộc điện thoại mỗi ngày. Ăn uống đạm bạc và ở cũng tuềnh toàng bởi nếu không làm thế thì cũng khó trụ vững ở đây.
Căn phòng rộng hơn chục mét vuông đã xuống cấp có giá thuê 600.000 đồng/tháng, tiết kiệm tối đa tiền phòng trọ và cắt giảm mọi khoản mua sắm, anh Trần Văn Phượng (công nhân quê Nghệ An) mới đủ tiền gửi về cho 3 con ăn học.
Anh Phượng cho biết: "Tháng dư ra tầm 3 - 4 triệu đồng. Bây giờ giá cả cũng lên, con cái lại đang bé, đưa lên đây không đủ".
"Ngày trước tiêu 15.000 đồng thì giờ mình tiêu 10.000 đồng. Khoản gì không hợp lý là mình dừng hẳn luôn", anh Trịnh Văn Hinh, công nhân huyện Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ.
Để hỗ trợ phần nào khó khăn của người lao động và khuyến khích họ tham gia vào hoạt động sản xuất, cuối tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Theo đó, số tiền hỗ trợ để công nhân thuê nhà trọ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỉ đồng. Dự kiến, trên cả nước sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này. Vậy nhưng sau hơn 2 tháng triển khai, tiến độ giải ngân hỗ trợ vẫn rất chậm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước chỉ mới phê duyệt gần 10.000 người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với khoảng 33 tỉ đồng.
Lý do người lao động chậm nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
Tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Hoàng Mai, Hà Nội, mới chỉ có 3 doanh nghiệp nộp danh sách công nhân nhận tiền hỗ trợ. Dẫu biết không phải doanh nghiệp nào cũng có lao động được thụ hưởng nhưng so với con số hơn 14.000 đơn vị đóng trên địa bàn thì 3 là quá ít.
"3 bộ hồ sơ chúng tôi nhận được cũng là 3 bộ hồ sơ đầu tiên. Chủ trương, chính sách của Nhà nước ban hành 2 tháng rồi mà đến nay người ta triển khai cũng chưa được mau lẹ, dẫn đến việc chậm", ông Lê Mạnh Toàn, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hoàng Mai, cho biết.
Ngoài các đơn vị chậm nộp hồ sơ khiến việc triển khai gói hỗ trợ chậm đã đành thì có doanh nghiệp dù đã hoàn thiện mọi thủ tục để gửi đến cơ quan chức năng nhưng sau 3 tuần, chế độ của người lao động vẫn chưa được giải quyết.
Hồ sơ các doanh nghiệp sau khi hoàn thiện sẽ được gửi đến phòng LĐ-TB&XH các cấp để thẩm định lần cuối nhưng cũng chính tại đây, khó khăn vướng mắc mới bắt đầu phát sinh.
Theo ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang: "Vướng mắc thứ nhất là đối tượng ốm đau thai sản. Thứ hai là vướng mắc về người lao động đang ở trong ký túc xá của doanh nghiệp có được hưởng hỗ trợ hay không. Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH và đang chờ Bộ trả lời".
Phải xác định đúng và trúng đối tượng được thụ hưởng là trách nhiệm của các bên có liên quan. Trong đợt hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 trước đây, nhờ phần mềm rà soát chống trùng, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp xin nhận hỗ trợ nhiều lần.
Thủ tướng đề nghị xử lý vướng mắc trong hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà
Trước nhiều lý do khiến gói hỗ trợ chậm đến tay người được thụ hưởng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo kiểm tra và xử lý kịp thời những vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Theo Quyết định số 08 của Thủ tướng chính phủ, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản ánh trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH thì công nhân có được hưởng hỗ trợ không? Nhiều lao động cũng thắc mắc làm phiếu đề nghị nhiều lần hay 1 lần và được nhận tiền hỗ trợ từng tháng hay nhận gộp 3 tháng? Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng nên có hướng dẫn xử lý trong trường hợp doanh nghiệp có hành vi chậm chi trả cho người lao động.
Những chính sách mang ý nghĩa rất nhân văn, chia sẻ khó khăn với người lao động và cùng với doanh nghiệp động viên người lao động tích cực tham gia vào sản xuất để phục hồi kinh tế. Ý nghĩa đó không ai có thể phủ nhận. Hy vọng những vướng mắc sẽ sớm được giải quyết vì hơn ai hết, người lao động đang rất trông ngóng nhận được món quà thiết thực này.
Người lao động mong sớm nhận được tiền hỗ trợ
8 năm làm công nhân nhưng từng ấy thời gian cũng chưa đủ dài để chị Trần Thị Hậu (công nhân quê Nghệ An) có được những khoản tích cóp đáng kể cho tương lai. Vừa mới đi làm lại sau khi sinh con, những áp lực kinh tế ngày càng rõ ràng hơn trước mắt. Ngay khi biết mình đủ điều kiện được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho 3 tháng thuê trọ, chị Hậu đã rất nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ.
Được quan tâm đến quyền lợi, đó không chỉ là cảm nhận mà là thực tế khi từ năm 2021 đến nay, Nhà nước đã triển khai hàng loạt gói hỗ trợ đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mong sớm nhận được hỗ trợ nhanh nhất, đó là tâm tư của nhiều người.
"Hồ sơ mình làm xong hết rồi nhưng các thủ tục hành chính cũng hơi lâu. Mình mong ngành thương binh xã hội các cấp giải quyết hồ sơ một cách nhanh gọn nhất để chúng tôi sớm được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước", anh Trịnh Văn Hinh, công nhân huyện Thanh Oai chia sẻ.
Bà Bùi Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai cho biết: "Với mức lương tối thiểu vùng thì 3 tháng hỗ trợ cho người thuê nhà là một khoản người lao động nào cũng quan tâm. Chính vì thế, tôi nghĩ chúng ta càng làm nhanh, làm sớm được thì càng tốt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!