Hôm nay, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Đây là dịp để tri ân sâu sắc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Ngày 27/7 cũng là dịp để nhìn lại và trân trọng hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, của thống nhất non sông, nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn những người lính đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì hòa bình độc lập, tự do cho dân tộc.
"Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng, càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do", Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói như vậy để tri ân những lớp người đã hy sinh quên thân mình cho độc lập, tự do của dân tộc.
Hòa bình ngày hôm nay là cái giá của biết bao hy sinh, biết bao xương máu của các thế hệ anh hùng. 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống. Biết bao người vợ người mẹ, mất chồng, mất con. Bao chiến sĩ bị thương trở về vẫn mang trong mình các vết sẹo chiến tranh hay các nỗi đau da cam/dioxin.
Vĩ tuyến 17 - ranh giới chia hai miền Nam Bắc 70 năm trước, suốt hơn 20 năm, mưa bom, bão đạn liên tục dội xuống tuyến lửa Vĩnh Linh, bờ Bắc của vĩ tuyến 17, nhưng quân và dân nơi đây vẫn luôn giữ tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Những người lính đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì hòa bình độc lập, tự do cho dân tộc. (Ảnh: TTXVN)
"Mỗi tấc đất ở đây đều đổi bằng rất nhiều xương máu của bộ đội, nhân dân", Đại tá, Nhà văn Nguyễn Bảo đã viết như vậy sau hàng chục năm trên chiến trường. Khốc liệt nhất với ông là trận đánh ở Thượng Đức mang tính quyết định cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Gần 1.000 chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.
"Đồng đội của mình hy sinh rất nhiều để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi nhớ đến người bạn của tôi. Anh nói "thằng địch chỉ có thể đến được đây khi bước qua xác tôi". Anh đã chiến đấu đến cùng, một mình đánh địch cho đến hơi thở cuối cùng và đã hy sinh", Đại tá, Nhà văn Nguyễn Bảo, tác giả Tiểu thuyết Thượng Đức, chia sẻ.
Hòa bình được đổi bằng xương máu của hơn 1,2 triệu liệt sĩ. Hơn ai hết, người thấm thía rõ nhất cái giá của hòa bình, đó là những người mẹ Việt Nam anh hùng, như Mẹ Nguyễn Thị Sinh, gần 100 tuổi, chờ đón bằng được con trai về nhà rồi mới trút hơi thở cuối cùng.
Mùa đông năm 1972, bom B52 rải xuống Thủ đô Hà Nội, mỗi góc phố cũng có thể trở thành chiến hào, mỗi nóc nhà cũng có thể trở thành trận địa, 90.000 thanh niên Thủ đô đã xung phong ra trận.
Ngay giữa trái tim của Thủ đô, tượng đài Cảm tử là nơi ghi dấu chiến công và hy sinh của quân và dân Hà Nội, "Quyết tử để tổ quốc quyết sinh".
Sau ngần ấy năm, tượng đài vẫn hiên ngang như tinh thần người chiến sĩ cách mạng năm xưa. Đây cũng là lời nhắn gửi của lớp lớp cha anh đi trước tới thế hệ trẻ hôm nay, tiếp tục phát huy truyền thống cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!