Học sinh LGBTI sợ bị phân biệt đối xử

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 20/12/2022 06:09 GMT+7

VTV.vn - Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng học sinh LGBTI phải đối mặt với những thách thức cụ thể về sức khỏe tâm thần.

Với thông điệp "Truyền tử tế, thắp tự hào vì trường học an toàn hơn cho người LGBTI", chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2022 tại Việt Nam là cơ hội để thúc đẩy giáo dục giới tính và tình dục toàn diện nhằm tạo môi trường học tập an toàn hơn, nâng cao nhận thức xã hội về sự đa dạng về xu hướng tính dục, bản dạng giới, biểu hiện giới và đặc điểm giới tính (SOGIESC), và đặc biệt là nâng cao nhận thức về quyền của các cá nhân LGBTIQ+ tại Việt Nam thông qua các cuộc khảo sát trực tuyến, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội và sự kiện truyền thông tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thay mặt Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ: "Các báo cáo về bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới hoặc biểu hiện giới vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù cần thêm nhiều dữ liệu hơn, nhưng nghiên cứu cho thấy, ví dụ, mức độ học sinh LGBTI phải đối mặt với bạo lực trên cơ sở giới cao hơn so với các bạn đồng trang lứa, và các cơ sở giáo dục thường không là nơi an toàn cho các em. Dữ liệu quốc gia cho thấy các ca lây nhiễm HIV đang gia tăng ở những người đồng tính nam trẻ tuổi và những người nam có quan hệ tình dục đồng giới, cũng như với người chuyển giới nữ. Chúng tôi cũng biết rằng học sinh LGBTI phải đối mặt với những thách thức cụ thể về sức khỏe tâm thần, bao gồm phản ứng tiêu cực của gia đình đối với tính dục hoặc bản dạng giới của họ, và cả nỗi sợ bị phân biệt đối xử".

Học sinh LGBTI sợ bị phân biệt đối xử - Ảnh 1.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ.

Thông qua tham vấn với các tổ chức, cộng đồng và cá nhân đang hoạt động trên lĩnh vực quyền của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận thấy rằng các nội dung về SOGIESC thông qua giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong trường học là một lĩnh vực cần tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh triển khai thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.

Chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam nhận thấy nhóm giáo viên và sinh viên sư phạm, với nhiều kỹ năng và chuyên môn sư phạm, là những người đóng vai trò quan trọng và là những nhân tố tạo ra sự thay đổi để lan tỏa các nội dung về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện có hiệu quả, đặc biệt là kiến thức về SOGIESC và cách tiếp cận dựa trên sự tử tế và lòng tự hào đến với nhiều thế hệ học sinh trong tương lai. Từ đó, thái độ tôn trọng sự đa dạng, tử tế và tự hào sẽ được phát huy và nuôi dưỡng. Từ đó, môi trường giáo dục và trường học an toàn cho tất cả học sinh, sinh viên sẽ được cam kết thúc đẩy và triển khai.

Học sinh LGBTI sợ bị phân biệt đối xử - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi.tại chương trình.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, các hoạt động trưng bày, trò chơi, câu hỏi kiến thức, trao đổi và thảo luận về giới và đa dạng tính dục sẽ được tổ chức để người tham gia, bao gồm các sinh viên sư phạm, nhà giáo, các tổ chức cộng đồng LGBTIQ+, thanh thiếu niên và người trẻ có thêm hiểu biết về LGBTIQ+ cũng như chia sẻ ý kiến về hướng tiếp cận tử tế và tự hào nhằm hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho tất cả mọi người.

Bà Lesley Miller chia sẻ thêm: "Trong năm 2021, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để số hóa Chương trình Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và biến chương trình này thành nguồn mở cho giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp. Hoạt động này góp phần thúc đẩy quyền của thanh thiếu niên và người trẻ LGBTI cũng như giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục giới tính, phá vỡ những điều cấm kị, giải quyết định kiến ​​giới và tạo điều kiện cho các trường học trở nên thân thiện, hòa nhập hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích mọi người truy cập các tài nguyên trực tuyến này và chủ động tiếp cận để tự trang bị kiến ​​thức cho bản thân".

Học sinh LGBTI sợ bị phân biệt đối xử - Ảnh 3.

Chương trình có sự hỗ trợ từ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên hợp quốc (UNFE) trên toàn cầu hướng tới thúc đẩy quyền bình đẳng và đối xử công bằng với người LGBTIQ+ [Người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, người chuyển giới, người liên giới tính và tất cả nhóm đa dạng tính dục khác.].

Phát biểu trong sự kiện, bà Lesley Miller, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: "Hôm nay, trong sự kiện thuộc khuôn khổ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng này, chúng ta cùng khẳng định một sự thật rằng mỗi người - tất cả mọi người - bất kể xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới hay bất kỳ địa vị nào khác, đều được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Và chúng ta hãy tập trung vào giáo dục như là một phương tiện chiến lược cho sự thay đổi. Liên hợp quốc hân hạnh được hợp tác với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện này, góp phần trong nỗ lực của Nhà trường nhằm chuyển đổi đội ngũ giảng viên, tập thể sinh viên và môi trường học tập của Nhà trường. Chúng tôi hoan nghênh việc đề cao sự tôn trọng và tử tế với mục đích đảm bảo an toàn cho mọi người với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Năm 2022 là năm thứ tư của chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước