Hội chứng "hậu nghỉ lễ": Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 17/02/2023 14:36 GMT+7

VTV.vn - Khi chuỗi ngày nghỉ lễ kết thúc, không ít người rơi vào cảm giác buồn chán, hụt hẫng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần trong công việc.

Đã gần 1 tháng kể từ khi kì nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc nhưng chắn hẳn không ít người đang đếm từng ngày, thậm chí đã lập kế hoạch chi tiết cho kỳ nghỉ lễ dài không kém sắp tới đây trong dịp 30/4 - 1/5. Nghĩ đến nghỉ lễ thì thường ai cũng háo hức nhưng khi chuỗi ngày đó kết thúc thì không ít người lại rơi vào cảm giác buồn chán, hụt hẫng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần trong công việc. Đó gọi là hội chứng "Post-holiday blues", tạm dịch là "căng thẳng sau mùa lễ hội".

Hội chứng "căng thẳng hậu nghỉ lễ"

Những món đồ từ Tết vẫn nguyên vẹn trong vali mà Văn chẳng bận tâm để bỏ ra. Cho đến tận bây giờ, Văn vẫn chưa muốn tin vào sự thật rằng kì nghỉ lễ đã kết thúc. Đi làm được gần 1 tháng thì hơn quá nửa thời gian mơ màng, loay hoay. Công việc tồn đọng cứ thế chất đầy.

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 1.

Văn chia sẻ: "Cho mình thêm ngày nghỉ lễ đi. Sao lại nghỉ lễ ít như thế này. Đó là những suy nghĩ của em. Sau đợt nghỉ lễ em ngủ muộn hơn hẳn, tầm 2 - 3h sáng em mới ngủ. Em chỉ muốn nghỉ mãi luôn cũng được.

Có những ngày em đi làm mà không làm một cái gì cả. Em chỉ ngồi nghịch máy tính, chơi, nói chuyện với mọi người, chat với bạn bè. Đến công ty làm thực chất không phải để làm mà để chơi".

Có mặt chứ nhưng không thực sự làm việc, thậm chí là ám ảnh đến mức sinh ra những nỗi sợ đến văn phòng. Không chỉ là đếm từng ngày đến kỳ nghỉ lễ sắp tới mà với Đình Nhân là đếm từng giờ để có thể ra về.

Nhân chia sẻ: "Chỉ đếm ngược thời gian đến lúc mà mình được ra về thôi. Thực sự là ngồi trong văn phòng rất ngột ngạt, mình không muốn ngồi một tí nào cả. Nhưng đặc thù công việc mình vẫn phải có mặt ở văn phòng và làm việc. Nhìn giấy tờ văn bản đôi lúc thật sự vướng mắt và khó chịu. Cũng muốn tìm công việc hay nghỉ ngơi thêm một chút vì quá là mệt mỏi".

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 2.

Hội chứng căng thẳng sau những kỳ nghỉ lễ là dạng muộn phiền về tinh thần mặc dù hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng nếu kéo dài thì sẽ được xếp vào dạng "trầm cảm nghiêm trọng".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền - chuyên gia tâm lý lâm sàng - cho biết: "Các bệnh nhân của tôi cứ sau kỳ nghỉ Tết hay những chuyến du lịch dù ngắn ngày thì đều nảy sinh tâm lý không thể trở lại với công việc. Đó có thể là cảm giác cô đơn, trống rỗng, chán nản, căng thẳng...".

Tưởng rằng một kỳ nghỉ sẽ cho cảm giác nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng, thế nhưng trên thực tế, với một số người, việc trở lại công việc sau nghỉ lễ chưa bao giờ là một điều dễ dàng.

Hội chứng hậu nghỉ lễ sau các kỳ nghỉ dài trên thế giới

Đối với người dân Mỹ và các nước phương Tây, hội chứng "căng thẳng sau mùa lễ hội" thường xảy ra sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Theo nghiên cứu tại Mỹ của Hiệp hội tâm lý học nước này, có tới 68% người dân được hỏi cho biết họ từng có hội chứng "hậu nghỉ lễ".

Còn với người dân Trung Quốc, hội chứng này thường xảy ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mạng xã hội phản ánh rất rõ hiện tượng khá phổ biến này. Tại Hàn Quốc, nhiều người trải qua hội chứng này sau kỳ nghỉ Tết Trung Thu. Quốc gia này còn từng có những gói dịch vụ "chữa lành sau nghỉ lễ" nhằm giải tỏa tâm lý cho người dân.

Ở Nhật Bản cũng xuất hiện một hiện tượng tương tự gọi là "bệnh tháng 5". Bởi đầu tháng 5 là khoảng thời gian dài cho những kỳ nghỉ và lễ hội, hay còn gọi là "tuần lễ vàng" tại Nhật Bản.

Mất cân bằng dinh dưỡng có thể dẫn tới hội chứng "hậu nghỉ lễ"

Điều gì khiến cho hội chứng này lại là một hội chứng mà bất cứ người dân ở quốc gia nào, nền văn hóa nào cũng có thể gặp phải? Một phần của câu trả lời chính là từ những thói quen gây mất cân bằng dinh dưỡng trong các kỳ nghỉ lễ.

Thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ trong những ngày lễ, Tết chính là một phần nguyên nhân dẫn tới hội chứng "hậu nghỉ lễ".

Bà Rae Mazzei - nhà tâm lý học, Mỹ - cho biết: "Việc ăn nhiều thực phẩm chế biến có lượng carbohydrate, chất đạm, chất béo cao như bánh kẹo, đồ ăn vặt, nước ngọt không chỉ dễ khiến chúng ta tăng cân sau mỗi kỳ lễ mà còn có thể gây viêm, ảnh hưởng tới giấc ngủ và rối loạn chức năng trao đổi chất. Ngoài ra, tác động cảm xúc của việc ăn quá nhiều thường dẫn đến cảm giác tội lỗi, hối hận, tự trách bản thân".

Uống rượu, bia quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng vì hành động này có liên quan đến việc tăng mức độ hormone căng thẳng và giấc ngủ bị gián đoạn. Cả hai đều có thể ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc.

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 3.

Trước dịp lễ, Tết, sự mong đợi sẽ giải phóng một lượng lớn dopamine trong não của chúng ta. Ăn thực phẩm có đường cũng giải phóng dopamine, chất này tiếp tục kích thích trung tâm khoái cảm của não. Thật không may, một khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, các mức độ dopamine này sẽ giảm trở lại. Và lúc này, bộ não của chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng hoặc suy sụp về cảm xúc. Sự tương phản rõ rệt của những trải nghiệm này có thể gây ra phản ứng cảm xúc bất lợi.

Tâm lý "vui chơi buông lơi ngày tháng" khiến đa phần mọi người trong kỳ nghỉ lễ sẽ thức khuya hơn, dậy muộn hơn. Vì thế, đồng hồ sinh học thường ngày của chúng ta bị thay đổi. Điều này khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và chậm chạp.

Tự "chữa lành" những nỗi buồn sau kì nghỉ

Hội chứng sau kỳ nghỉ lễ là một trạng thái tâm lý bình thường mà hầu hết con người hiện đại đều có thể mắc phải. Để đưa bản thân thoát khỏi sự buồn bã sau một cuộc vui đòi hỏi phải tập trung vào những điều cơ bản về sức khỏe thể chất, tinh thần và điều chỉnh cả những kỳ vọng. Tất nhiên việc trở lại trạng thái như trước kỳ nghỉ lễ cũng phải mất thời gian một chút, có khi trong vòng 1 tuần hoặc phải lâu hơn.

Thay vì tìm cách đối phó với suy nghĩ "ngại đi làm", Như Quỳnh chọn việc làm mới bản thân mình với nhiều mục tiêu mới được đặt ra, bắt đầu từ việc tự đặt cho mình những thử thách ngủ sớm hơn hay tập thể dục tối thiểu vài lần một tuần. Quỳnh cho rằng, việc thay đổi là cần thiết bởi không thể mong đợi cùng làm một việc mỗi ngày nhưng nhận lại các kết quả khác nhau.

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 4.

Như Quỳnh chia sẻ: "Bất cứ công việc nào em cũng nghĩ đến việc trì hoãn nó. Em đã phải tự đặt ra những thử thách cho bản thân, ví dụ như tắt điện thoại và ngủ trước 11h. Cũng có những lần em không thể đạt được thử thách mà em đặt ra nhưng em nghĩ rằng thà thất bại nhưng mình cố gắng còn hơn không làm gì cả".

Còn với Hoàng Anh, cách tốt nhất để vơi đi cảm giác lưu luyến quá khứ là lập kế hoạch cho tương lai gần. Dành 1/3 thu nhập cho những chuyến du lịch mỗi tháng khiến việc trở lại công việc sau mỗi kì nghỉ dù ngắn hay dài cũng không còn là nỗi ám ảnh.

"Sau mỗi chuyến đi chơi mình lại mong muốn được kiếm tiền, được đi làm để có thêm thu nhập, lấy nó làm động lực để những chuyến tiếp theo đi xa hơn. Dù ngắn ngày hay dài ngày thì ít nhất mình cũng cảm thấy rằng mình được đến một nơi mới hay thậm chí chỉ thay đổi chỗ ngủ mới thì cũng là một cảm giác khác hẳn rồi" - Hoàng Anh quan niệm.

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều trào lưu sống tích cực trong năm mới cũng được nhiều người hưởng ứng. Từ việc chia sẻ các phương pháp thanh lọc cơ thể sau Tết cho đến phong trào khoe những cuốn sách đầu tiên mà mình đọc được trong năm 2023. Thử những điều mới mẻ chưa từng làm là cách mà nhiều người chọn để thoát khỏi những dư âm sau những kỳ nghỉ lễ.

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 5.

Mô hình làm việc ON - OFF để cân bằng cảm xúc

Sự thay đổi không chỉ đến từ mỗi cá nhân mà các văn phòng mở với mô hình làm việc linh hoạt (Hybrid Working) cũng đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đây cũng là một giải pháp khá hay, giúp nhân viên không còn phải "sợ" đến văn phòng với hàng tá giấy tờ ngổn ngang, chồng chất. Sự ngăn nắp, gọn gàng, thoáng đãng và quan trọng là linh hoạt trong cách quản lý đang là điều kiện lý tưởng giúp nhân viên, nhất là người làm văn phòng, có cơ hội cân bằng cảm xúc của chính mình.

Tự pha một tách cafe ngay trong chính quầy bar của công ty để bắt đầu một buổi làm việc. Thay vì "chối bỏ" cảm xúc căng thẳng sau nghỉ lễ thì chấp nhận và tìm cách dần dần bắt nhịp lại với công việc là cách Hà Trang lựa chọn khi công ty áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 6.

Hà Trang cho biết: "Theo mình vấn đề 'holiday blue' khá phổ biến. Với văn phòng mở, các bạn có thể tự linh động sắp xếp công việc của mình bao nhiêu ngày lên công ty, bao nhiêu ngày 'work form home', để dần dần bắt nhịp lại vừa phải hơn, hiệu quả hơn".

Quyền được linh hoạt cho phép nhân viên chủ động thiết kế lịch làm việc của cá nhân. Bên cạnh đó, một không gian làm việc mở, không chỗ ngồi ổn định, không giấy tờ sổ sách chất chồng là những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại khiến cho nhân viên tránh được cảm giác "sợ" đến văn phòng.

Chị Trần Minh Tâm bày tỏ: "Sau thời gian nghỉ dài vừa rồi, không phải chấm công đã là bớt gánh nặng cho mình cũng như cả văn phòng. Khi bước vào văn phòng thấy nhiều giấy tờ, sổ sách thì sẽ thấy áp lực với công việc, nhưng khi vào văn phòng mới mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ hơn thì tâm trạng mình đã phấn khởi hơn rất nhiều".

Làm việc linh hoạt cả về không gian cũng như cách quản lý đang được cho là mô hình quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Công ty cung cấp mọi tiện ích bạn cần và thay vì quản lý bằng thời gian thì hiệu suất sẽ là điều mà các nhà quản lý quan tâm.

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 7.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội - cho hay: "Mọi người không có chỗ ngồi cố định nữa, các sếp cũng không có phòng làm việc riêng, các khu vực sẽ ưu tiên làm phòng họp, khu chức năng. Mô hình linh hoạt sẽ có 2 lợi thế là tiết kiệm thời gian di chuyển và làm tăng hiệu suất. Mô hình quản lý tập trung vào KPI được đánh giá dựa theo các dự án, tính chất công việc riêng thay vì theo giờ. Các bạn khi đi làm có tâm lý thoải mái và có thời gian đi làm hiệu quả hơn".

Hội chứng hậu nghỉ lễ: Làm sao để thoát khỏi dư âm của kỳ nghỉ dài? - Ảnh 8.

Tính linh hoạt chính là một trong những yếu tố tạo động lực cho nhân viên bởi khi đó họ có thể chủ động chọn ON hay OFF để cân bằng cảm xúc. Tuy nhiên, sự tự do trong mô hình này chính là sự tự do trong khuôn khổ - bạn phải trở thành một quản lý của chính mình với kỷ luật và quy trình làm việc riêng để đạt được hiệu suất mong muốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước