Sáng 14/4 tại Quảng Ninh, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022".
Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, bổ sung thêm điều kiện để hoàn thành "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đạt cao và đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng khác gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2022.
Khám sàng lọc trước khi tiêm (Ảnh: TTX)
Trước đó, chia sẻ trong buổi họp báo vào ngày 13/4, đại diện Bộ Y tế cho biết, qua thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 11.8 triệu người thuộc đối tượng tiêm lần này. Ước tính đến nay có khoảng 8.2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được tiến hành đến cuối quý II/2022.
Trong khi đó, với những trẻ đã mắc COVID-19, dự kiến triển khai tiêm tháng 7 đến tháng 8 năm nay. Việc tiêm sẽ tiến hành tại các trường học, tiêm cho học sinh lớp 6 trước, rồi hạ thấp dần độ tuổi.
Dự kiến, trong tuần tới, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ đồng loạt được thực hiện tại các tỉnh thành phố khác trên cả nước. Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Có hai loại vaccine COVID-19 là Pfizer và Moderna dành cho trẻ em. Theo thông tin từ Bộ Y tế, lô vaccine Moderna dành cho trẻ em đầu tiên do Chính phủ Úc tài trợ đã về đến Việt Nam vào ngày 8/4, đã được kiểm định chất lượng tại Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế, để gửi tới Quảng Ninh (địa phương triển khai tiêm sớm nhất), bắt đầu tiêm cho học sinh lớp 6 từ ngày 14/4.
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi. Với các trường hợp lớn hơn, cha mẹ nên lưu ý các bất thường liên quan sức khỏe đường hô hấp.
Với những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh, phụ huynh tạm thời dừng tiêm cho trẻ đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh.
"Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét… Nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ có các đợt tiêm bổ sung, tiêm vét. Do đó, trẻ phải thực sự khỏe mạnh mới nên tiêm vaccine phòng COVID-19"- Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Khi tới các điểm tiêm chủng, cha mẹ cần chia sẻ cụ thể với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ (nếu có) để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
Chuyên gia khuyến cáo gì về theo dõi trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sau tiêm vaccine phòng COVID-19?
Về phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng cho biết các phản ứng sau tiêm đối với trẻ này tương tự như đối với nhóm từ 12 - 17 tuổi.
Cụ thể, người tiêm có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm, kiệt sức, đau đầu tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh.
Theo chuyên gia, một số phản ứng có thể xảy ra gồm phổ biến và bất thường như sốt, phát ban, tím tái, mệt mỏi, li bì,... có thể xảy ra sau 4-8 giờ. Các tình trạng này thường giảm sau 1-2 ngày đầu. Do đó, nếu những biểu hiện này có dấu hiệu trầm trọng trọng hơn, cha mẹ cần liên hệ và đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!