Các tuyến tàu điện ngầm Metro ở bất kỳ đô thị lớn nào trên thế giới đều là giải pháp chủ lực để giải quyết bài toán giao thông công cộng. Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 8 tuyến Metro kết nối giao thông công cộng cả thành phố. Nhưng ngay khi thực hiện tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã vấp phải nhiều vướng mắc về tiến độ và đội vốn.
Tuyến Metro số 1 dài khoảng 20km, là tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh và cũng là của cả nước. Năm 2007, tuyến Metro này được phê duyệt với tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng, tuy nhiên, đến năm 2011 dự án được điều chỉnh lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018. Sau đó, dự án tiếp tục phải lùi thời gian hoàn thành vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 rồi lại lùi thời gian hoàn thành đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, mốc thời hạn này tiếp tục bị trì hoãn. Mới nhất, đầu năm 2022, UBND Thành phố tiếp tục kiến nghị lùi thời gian hoàn thành vào cuối năm 2023.
4 nguyên nhân chính khiến Metro số 1 phải nhiều lần trì hoãn là:
- Chậm giải ngân vốn;
- Sự cố kỹ thuật;
- Khó khăn nhân sự;
- Dịch COVID-19.
Sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, dự án Metro số 1 đang tăng tốc mong bù đắp tiến độ. Theo đề xuất mới nhất, thời gian hoàn thành sẽ được lùi lại vào cuối 2023. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp mọi việc thuận lợi. Thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn đang bủa vây, đe dọa tiến độ của dự án.
Khó khăn bủa vây tiến độ Metro số 1
Gói thầu 1B ngầm dưới đất đã hoàn thành hơn 90% nhưng vẫn chưa kết nối được nguồn điện riêng của tuyến Metro số 1. Dự án có các gói thầu thi công riêng biệt nên quá trình kết nối đồng bộ sẽ cần nhiều thời gian, ngay cả khi mọi thứ không có sai lệch.
Ông Lê Văn Sào - Quản lý Cơ điện Gói thầu 1B - Dự án Metro số 1 cho biết: "Khó khăn của bên mình là nguồn điện chính để chạy các thiết bị, thứ hai là phối hợp gói thầu 1A để chạy quạt đường hầm và các phần điều khiển trung tâm".
Gói thầu số 2 đoạn trên cao, đường tàu và nhà ga đã làm xong nhưng 9 cây cầu bộ hành nối xuống đất cho người dân tiếp cận nhà ga vẫn chỉ là mấy trụ bê tông trơ trọi, đang chờ phê duyệt thiết kế mới có thể thi công. Thậm chí, có chỗ vẫn đang là nhà dân sinh sống, chưa có mặt bằng xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh: "Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong cả nước nên cũng có rất nhiều khó khăn, việc thử nghiệm có thể mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ. Hiện đang để thời gian thử nghiệm là 3 tháng nhưng cũng có thể sẽ lâu hơn".
Hiện toàn bộ tiến độ của tuyến đã đạt trên 90% nhưng vài phần trăm tiến độ còn lại là phần thử nghiệm, đánh giá, nghiệm thu. Đây là phần mấu chốt. Chỉ một chi tiết không đạt là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố, các cơ quan ban ngành liên quan đã nhìn thấy rõ những khó khăn này. Tất cả đều đang nỗ lực hết sức để dự án đảm bảo tiến độ. Từ nay đến cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn nước rút để dự án có thể đi vào hoạt động.
Khẩn trương thi công nước rút
Thời điểm hiện tại, các khó khăn về vốn, về nguồn nhân lực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã được giải quyết. Các nhà thầu đang khá tự tin về tiến độ các hạng mục xây dựng.
Anh Đoàn Huỳnh Tuấn Anh - Kỹ sư trưởng gói thầu 1A Dự án Metro số 1 - cho biết: "Mọi người đều hoạt động hết công suất để dự án được về đích đúng tiến độ, dự kiến tháng 10/2022, chúng tôi sẽ hoàn trả".
Toàn bộ 17 đoàn tàu tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được nhập về Việt Nam (Ảnh: TTXVN)
Toàn bộ 17 đoàn tàu đã được nhập về Deport Long Bình. Tại đây đang gấp rút thi công các hạng mục đường ray cuối cùng, phần cơ điện, điều khiển trung tâm để chuẩn bị chạy thử tàu trong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Sau giai đoạn dịch bệnh, mọi việc tăng tốc, các thủ tục pháp lý, vấn đề vốn, triển khai thi công trong công trường cũng tương đối thuận lợi. Công việc từ nay đến kết thúc dự án cũng rất rõ ràng, vấn đề là đẩy nhanh được tiến độ trên thực tế".
Từ sáng 13/7, nhiều người dân đi qua khu trung tâm đã có thể nhìn thấy công trường nhà ga trung tâm. Những tấm rào chắn công trình được cam kết sẽ dỡ bỏ hết trước ngày 2/9. Trước đó, đoạn Lê Lợi, Nguyễn Huệ cũng đã tái lập mặt đường. Hơn lúc nào hết, người dân thành phố đang mong chờ từng ngày Metro số 1 không còn lỗi hẹn, khai thông bế tắc cho giao thông công cộng ở đô thị đông dân nhất cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!