Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.382.272 ca mắc COVID-19, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.019 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.376.930 ca, trong đó có 1.049.524 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (484.602), Bình Dương (286.459), Đồng Nai (91.490), Long An (39.094), Tây Ninh (36.873).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.052.341 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.681 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.294 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.267 ca; Thở máy không xâm lấn: 257 ca; Thở máy xâm lấn: 849 ca; ECMO: 14 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 221 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.402 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 130.935.854 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.550.657 liều, tiêm mũi 2 là 56.385.197 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/12 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 602.617 trường hợp mắc COVID-19 và 7.035 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 269 triệu ca, trong đó trên 5,3 triệu người không qua khỏi.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 58.000 ca), trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 1.200 ca.
Các nước cũng ghi nhận trên 239 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 21 triệu ca và trên 88.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 10/12, thế giới có 119 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 815.269 ca tử vong trong tổng số 50.535.791 ca mắc. Đáng chú ý, dù Mỹ đã đạt mốc tiêm 200 triệu liều vaccine cho người dân, song số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vọt tại nước này.
Thí điểm khôi phục các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/1/2022; đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine"
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Theo Thông báo 334/TB-VPCP ban hành ngày 10/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, ngày 09/12/2021, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã kết luận như sau:
Thực hiện chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói riêng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, không để Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến, việc mở lại các chuyến bay quốc tế theo Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đồng ý Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine", ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.
Các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.
Hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Pfizer về Việt Nam
Trong ngày 10/12, lần lượt hai lô vaccine phòng COVID-19 Pfizer do Mỹ viện trợ cho Việt Nam được vận chuyển về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với tổng số lượng hơn 4 triệu liều.
Vận chuyển số vaccine do Mỹ tặng Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ
Lô vaccine thứ nhất gồm hơn 2,2 triệu liều được chuyển đến Hà Nội vào buổi sáng. Đến tối cùng ngày, hơn 2 triệu liều tiếp tục được chuyển về TP Hồ Chí Minh.
Đại sứ quán Mỹ chia sẻ: "Sẽ còn nhiều lô hàng được gửi tới trong tương lai. Mỹ vinh dự được hợp tác cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại đại dịch này".
Như vậy, đến nay, Mỹ đã trao tặng cho Việt Nam hơn 24 triệu liều vaccine COVID-19, chủ yếu là vaccine của Pfizer.
F0 cộng đồng ở miền Tây chưa giảm, Bộ Y tế điều động Bệnh viện trung ương Nam tiến hỗ trợ chống dịch
Đồng Tháp có thêm 730 ca mắc COVID-19, trong đó có 309 ca trong cộng đồng. Tổng số ca tử vong là 329.
Cà Mau ghi nhận thêm 720 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 324 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng; số ca tử vong cộng dồn 63.
TP Cần Thơ ghi nhận 670 ca mắc COVID-19. Tính từ ngày 8/7 đến nay, Cần Thơ đã có 35.545 ca mắc trong đó 17.616 ca khỏi bệnh, 281 ca tử vong.
Bến Tre ghi nhận thêm 572 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 570 ca cộng đồng, tổng số ca tử vong cộng dồn 77.
Tiền Giang thêm 568 ca mắc COVID-19, trong đó 99 ca cộng đồng, 469 ca trong khu cách ly; tổng nâng số ca tử vong 633.
Vĩnh Long ghi nhận 568 ca mắc COVID-19, trong đó 373 ca cộng đồng; tổng số ca tử vong 137.
Bạc Liêu phát hiện 427 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 235 ca cộng đồng.
An Giang ghi nhận 355 trường hợp mắc COVID-19, điều trị khỏi bệnh 584 trường hợp. Luỹ kế số trường hợp tử vong là 563 ca. Bộ Y tế đã điều động Bệnh viện Bạch Mai cử 2 đoàn chuyên gia, y bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 vào hỗ trợ An Giang phòng chống dịch.
Ngày 10/12, ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiến hành giao ban chuyên môn từ xa với lực lượng đi hỗ trợ và y bác sĩ của tỉnh Kiên Giang về điều trị bệnh nhân COVID-19.
Kiên Giang có thêm 328 ca mắc COVID-19, trong đó 112 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn tại địa phương này là 23.498; điều trị khỏi 19.996 ca. Ngày 10/12, thực hiện điều động của Bộ Y tế, Bệnh viện K đã tiếp tục cử 17 chuyên gia, y bác sĩ có kinh nghiệm chống dịch vào hỗ trợ đồng hành cùng địa phương phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt trong công tác điều trị bệnh nhân.
Trà Vinh ghi nhận 295 ca mắc COVID-19, trong đó 171 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn của tỉnh là 10.704 trường hợp, đã điều trị khỏi 3.915 trường hợp; tổng số ca tử vong 63.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!