Hơn 1,1 triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Minh Đức-Thứ năm, ngày 15/10/2020 06:04 GMT+7

VTV.vn - Số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam chỉ còn 21 doanh nghiệp, số người có phát sinh doanh thu chỉ chiếm khoảng 50%.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2019, trên thị trường có 30 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, sau đó đã có thêm 3 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, từ 2019 đến nay, có 12 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động, bao gồm: 5 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do không đáp ứng điều kiện mới của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 1 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do vi phạm điều cấm của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 2 doanh nghiệp không được gia hạn giấy chứng nhận do không duy trì các điều kiện theo quy định Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 02 doanh nghiệp hết hạn giấy chứng nhận và không làm thủ tục gia hạn; 2 doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoạt động.

Tính đến hết tháng 8/2020, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chỉ còn 21 doanh nghiệp. Theo số liệu báo cáo của 24 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối năm 2018. Trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, "hoa hồng" chiếm khoảng 50%.

Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Hơn 1,1 triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng số thuế các công ty này nộp về ngân sách nhà nước chủ yếu là thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả

Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2019 đạt hơn 1.661 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả (chiếm 35,77%) và thuế xuất nhập khẩu (chiếm 38,02%).

Theo Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh đa cấp còn nhiều biến tướng, vi phạm, do đó các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm. Ở cấp Trung ương, cơ quan chức năng xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 1,810 tỷ đồng đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 doanh nghiệp. Ở cấp địa phương, tổng số tiền phạt của các cơ quan quản lý tại địa phương là 1,139 tỷ đồng.

Việc đấu tranh chống lại đa cấp biến tướng hiện đang rất khó khăn. Các chủ thể vi phạm thường nhắm vào các đối tượng thiếu hiểu biết về công nghệ, hoặc những người trẻ mong muốn khởi nghiệp và làm giàu nhanh chóng.

Bộ Công Thương thời gian qua đã theo dõi, thu thập và chuyển thông tin, tài liệu liên quan đến gần 30 đơn vị có dấu hiệu hoạt động biến tướng cho các cơ quan công an theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước