Hơn 70% công nhân, người lao động ở Hà Nội phải thuê nhà trọ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 24/05/2024 08:41 GMT+7

Một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

VTV.vn - Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hơn 70% công nhân, người lao động tại Hà Nội đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.

Tại hội nghị đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô, thông tin về tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động Công đoàn, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động.

Thời gian qua, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP vẫn giữ được ổn định; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.

Về vấn đề tiền lương, tiền thưởng, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động.

Thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%. Điều này đã hỗ trợ, giảm bớt những khó khăn hơn cho người lao động; tiền lương bình quân của người lao động năm trong quý 1/ 2024 là 7 triệu đồng/tháng.

Mặc dù vậy, mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất.

Về vấn đề nhà ở của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, chỉ 3 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (huyện Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại chưa có nhà ở. Do đó hiện có khoảng trên 70% công nhân, người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... gây khó khăn cho đời sống công nhân.

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết thành phố đang triển khai 58 dự án phát triển nhà ở xã hội với 60.000 căn hộ; lập chủ trương đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 270 ha, hiện đã chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định được 4/5 dự án. Các dự án này triển khai sẽ có thêm nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Đánh giá vấn đề nhà ở rất quan trọng vì "có an cư mới lạc nghiệp", Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thừa nhận việc triển khai nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm, trong đó có lỗi của chính quyền các cấp và thành phố.

Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành khác xử lý nhanh nhất, quyết liệt nhất để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân.

Giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động thu nhập thấp Giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động thu nhập thấp

VTV.vn - Ước mơ và khát khao sở hữu một căn hộ để an cư lạc nghiệp đã trở thành một mong muốn bức thiết đối với nhiều người lao động thu nhập thấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước