TP Hồ Chí Minh đã huy động hơn 6.000 nhà thuốc trên địa bàn trở thành cánh tay nối dài giữa F0 với cơ sở y tế địa phương, tuy nhiên cũng xuất hiện những lo ngại, liệu có thể xảy ra tình trạng trục lợi thuốc điều trị COVID-19 khi những cơ sở này được giao phát túi thuốc C cho F0 hay không? Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã lường trước vấn đề này và chuẩn hóa hoạt động các nhà thuốc tham gia hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà.
Nhà thuốc là một trong những dịch vụ được duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nhiều cấp độ tại TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, không chỉ cung ứng thuốc chữa bệnh không cần kê đơn hay một số trang thiết bị y tế cần thiết, với thế mạnh là gần gũi với cộng đồng dân cư, nhà thuốc đã trở thành kênh tư vấn hữu hiệu, nhất là khi y tế cơ sở bị quá tải.
Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết
Cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế với yêu cầu đảm bảo chất lượng và bình ổn giá cả, tư vấn cho F0 và gia đình F0, đồng thời là cầu nối F0 tại nhà với y tế địa phương, chính là những hoạt động mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị hơn 6.000 nhà thuốc tham gia trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, việc nhà thuốc tư nhân có thể tham gia phát các gói thuốc dành cho F0 tại nhà, trong đó có những loại thuốc kháng virus đang có nhu cầu sử dụng cao, thuộc phạm vi những hoạt động này. Tuy nhiên, việc đề nghị nhà thuốc tham gia phát thuốc cũng như quản lý hoạt động này đã được giao quyền chủ động cho các quận huyện và TP Thủ Đức.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dù đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận địa phương nào có yêu cầu, đề nghị hệ thống nhà thuốc hỗ trợ việc phát thuốc kháng virus, tuy nhiên, Phòng chuyên môn thuộc Sở đã hướng dẫn cho Phòng Y tế quận huyện quy trình chuẩn về cấp phát thuốc để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu F0 tại nhà cũng như kịp thời quản lý ngăn chặn nguy cơ trục lợi.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị các Sở Y tế trên toàn quốc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, phân phối và cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và cung ứng đủ thuốc cho hoạt động khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các viện kiểm nghiệm thuốc chú trọng việc lấy mẫu đối với danh mục thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir.
Bộ Y tế cũng xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!