Trận lũ vừa qua khiến gia đình bà Hồng (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) thiệt hại khoảng 50 triệu đồng về tài sản. (Ảnh: PLO)
Theo thống kê của huyện Chương Mỹ, trận mưa lũ vừa qua đã làm ngập, ảnh hưởng 1.183 ha lúa, 354 ha rau màu, 243 ha cây ăn quả, 1.703 ha nuôi trồng thủy sản, 4.893 gia súc và 184.912 gia cầm... Giao thông nội đồng bị ngập giảm từ 15.000 m xuống 7.000 m. Tổng chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở là 12.110 m. Mực nước sông Bùi trên mức báo động 3 (mức nguy hiểm nhất), uy hiếp nhiều tuyến đê. Đê sông Bùi, sông Đáy đi qua Chương Mỹ đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở, rò rỉ, bục thân khiến nước tràn vào làng xã.
Bà Nguyễn Thị Thiệu - chủ cửa hàng kinh doanh lau rửa đồ đạc sau khi nước rút. (Ảnh: PLO)
Đợt mưa lũ vừa qua không chỉ gây đảo lộn sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân, mà còn gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại lĩnh vực trồng trọt khoảng 38,8 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản khoảng 54,141 tỷ đồng; chăn nuôi 7,005 tỷ đồng; công trình đê điều, thủy lợi, giao thông khoảng 7,373 tỷ đồng.
Sau khi nước rút, người dân ở Chương Mỹ, Hà Nội tất bật dọn dẹp sau lũ để ổn định lại cuộc sống. (Ảnh: PLO)
Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau lũ lụt, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, huyện dự kiến chi khoảng 31,531 tỷ đồng; trong đó tập trung hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt 2,906 tỷ đồng; thủy sản 15,585 tỷ đồng; chăn nuôi 2,599 tỷ đồng; sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi, giao thông khoảng 7,373 tỷ đồng...
Trước mắt, huyện Chương Mỹ dự kiến chi khoảng 3,068 tỷ đồng hỗ trợ nông dân các xã, thị trấn bị lũ lụt 10 loại giống cây trồng vụ đông xuân sớm với tổng diện tích khoảng 799 ha; trong đó, khoai tây là 93,4 ha, ngô nếp lai 143,4 ha, ngô tẻ lai 75,4 ha, ngô ngọt 29 ha, rau bí ăn ngọn 80 ha, bí đỏ lai 10 ha, dưa chuột 73,5 ha, cà chua 6ha, đậu rau 26 ha, cải ăn lá các loại 262,4 ha...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!