Kênh YouTube review ẩm thực Hà Nội bị phản đối mạnh mẽ vì sai kiến thức

Đỗ Hòa – Phạm Hùng-Thứ hai, ngày 26/04/2021 09:55 GMT+7

VTV.vn - Những lỗi sai về kiến thức ẩm thực hay cách diễn đạt khi miêu tả về món ăn gây phản cảm, ức chế là nhận định của nhiều khán giả về kênh YouTube Hà Nội Phố.

Với những lỗi sai về nội dung như "3/3 là Tết phồn thực" hay "Mắm tôm làm lẩu mắm" được lặp lại liên tục, không ít người cho rằng đây không đơn thuần là sự thiếu hụt kiến thức hay cẩu thả trong quá trình làm nội dung trên kênh Youtube Hà Nội Phố.

Kênh YouTube review ẩm thực Hà Nội bị phản đối mạnh mẽ vì sai kiến thức - Ảnh 1.

Kênh Youtube Hà Nội Phố được giới thiệu là "chia sẻ những góc nhìn bình dị và dân dã nhất ở từng góc phố… khám phá ẩm thực thủ đô ngàn năm văn hiến"

"Rõ ràng rất khó hiểu. Không biết người ta không biết thật hay người ta cố tình như thế. Có camera quay cho thì chắc cũng có đội edit, chị đoán chắc là có chiêu trò để tăng view" - chị Trần Huyền Trang, Hà Nội nói.

Sự khó chấp nhận những nội dung sai lệch về kiến thức văn hóa lẫn ẩm thực mà kênh này đưa ra còn được khán giả lý giải bởi kênh mang cái tên Hà Nội Phố với một trong nhiều mục tiêu được giới thiệu là "chia sẻ những góc nhìn bình dị và dân dã nhất ở từng góc phố… khám phá ẩm thực thủ đô ngàn năm văn hiến".

Kênh YouTube review ẩm thực Hà Nội bị phản đối mạnh mẽ vì sai kiến thức - Ảnh 2.

Một chia sẻ của người xem kênh Hà Nội Phố

"Đọc Hà Nội Phố - kỳ vọng sẽ hiểu biết văn hóa Hà Nội nhưng như cảm thấy cố tình xuyên tạc đi. Lúc đầu đọc thì cảm thấy giải trí, buồn cười nhưng càng đọc càng thấy ngô nghê, bức xúc" - chị Nguyễn Thị Minh Trang, Hà Nội cho biết.

"Không tập trung vào tìm hiểu văn hóa địa phương, sáng tạo những video phản cảm như thăm nghĩa trang và khám phá nhà vệ sinh nam khi có nhiều người trong đó…" - anh Hà Trọng Thành, Hà Nội cho hay.

Thực tế, cũng như nhiều người làm sáng tạo nội dung trên các kênh mạng xã hội, những người làm sáng tạo nội dung cho các kênh YouTube giới thiệu ẩm thực cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khen chê trái chiều. Và đặc biệt, khi kênh giới thiệu ẩm thực được gắn mác văn hóa ẩm thực địa phương, người xem có quyền đỏi hỏi những người sáng tạo nội dung yếu tố văn hóa được truyền tải. Câu chuyện giới thiệu quán ăn hay món ăn bởi vậy sẽ không còn đơn thuần là chọn món để ăn, chọn quán để nói.

Giới thiệu văn hóa ẩm thực: có đơn thuần chỉ là ăn và nói?

Theo TS Vũ Thế Long, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam: "Không ai cấm được họ nói… Không biết làm từ thịt lợn hay thịt heo, không biết gì về tiếng Việt… Mô tả bánh chay thì ngô nghê, vô nghĩa. Cọng hành thì bảo là rau cần. Sự dốt nát sẽ bị công chúng cười…".

Nỗi lo bị khán giả chê cười của những người làm nội dung là có nhưng, giữ chân khán giả giữa cả trăm kênh giới thiệu ẩm thực lại mới là áp lực chính của phần đa các chủ kênh.

Anh Nguyễn Đăng Khoa - Chủ kênh YouTube Hanoi Food - cho biết: "Khó nhất là vẫn duy trì được mục tiêu kênh của mình mà không gây ra nhàm chán với khán giả. Quay nhiều, giới hạn trong khu vực. Nguồn quán ăn ngày càng hạn chế. Tìm được quán cho đáng xem, không đáng xem thì ít người xem. Không người xem thì mình sẽ đói".

Kênh YouTube review ẩm thực Hà Nội bị phản đối mạnh mẽ vì sai kiến thức - Ảnh 3.

Với 300.000 lượt theo dõi, tần suất trung bình là 2 ngày ra 1 video, chủ kênh này có thu nhập khoảng 20 triệu/tháng.

Với 300.000 lượt theo dõi, tần suất trung bình là 2 ngày ra 1 video, chủ kênh này có thu nhập khoảng 20 triệu/tháng. Song, để tăng lượt xem cũng như lượng người theo dõi, tần suất ra video dày dù quan trọng không phải là yếu tố quyết định. Bởi, những ý kiến khen chê, đánh giá nội dung trái chiều luôn tỷ lệ thuận với số lượng người xem. Nhất là khi, giới thiệu văn hóa ẩm thực không đơn thuần chỉ là chọn món để ăn, lựa quán để nói.

Anh Nguyễn Đăng Khoa - chủ kênh YouTube Hanoi Food - cho biết thêm: "Ngày trước mình cũng bị nói nhiều kiểu mặt ông này cứng đờ, ông này suốt ngày chỉ có ngậy béo, đậm đà. Thực ra đó là những cái mình không có chuyên môn, nhận định bằng kinh nghiệm của một người bình thường. Khi kênh phát triển thì thấy phải có trách nhiệm nhiều hơn. Mình có mua sách về đọc thêm để có những trải nghiệm, kiến thức ẩm thực".

Không thể yêu cầu những người làm nội dung giới thiệu văn hóa ẩm thực trên các kênh mạng xã hội phải có đủ đầy kiến thức, nhất là với những người tay ngang… Nhưng, khi đã chọn ăn và nói về ẩm thực như một nghề với đối tượng tiếp nhận là đông đảo khán giả thì có lẽ, để sống bền với nghề, những người làm nội dung cũng cần học ăn cho đúng, nói cho trúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước