Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
Mỗi tuần hai lần, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến dưới. Hôm nay, các chuyên gia chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị cho 10 ca bệnh khó của 3 bệnh viện là Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, Bệnh viện 199, Bệnh viện Hà Nội - Viêng Chăn. Ngoài ra, 12 bệnh viện cấp huyện sẽ cùng tham gia dự thính.
Không chỉ bệnh nhân được hưởng lợi, trình độ của đội ngũ y tế tuyến dưới cũng được nâng lên đáng kể. Một phần quan trọng trong đề án này là công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Các bác sĩ tuyến dưới sẽ được bệnh viện cử người hỗ trợ theo mô hình 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh. Bác sĩ Đỗ Văn Cảnh là một trong số các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang được cử xuống đào tạo chuyên khoa chấn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Y Hà Nội.
Chỉ sau 7 tháng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã điều trị thành công cho hơn 300 bệnh nhân. Sắp tới, bệnh viện sẽ tiến hành xây dựng các phòng khám tại các bệnh viện cùng sâu vùng xa và hệ thống khám bệnh tại nhà.
Khám chữa bệnh từ xa là "cuộc cách mạng" xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến trung ương và địa phương. Người bệnh tại các vùng sâu, vùng xa đã được các chuyên gia đầu ngành cùng nhau hội chẩn và đưa ra các phương án điều trị ngay tại địa phương. Tỷ lệ chuyển tuyến dưới 10% so với tỷ lệ trước đây là 30%. Theo tính toán của ngành y tế, khám chữa bệnh từ xa sẽ tiếp kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân và giảm tải cho hệ thống y tế.
Không chỉ khám và chẩn đoán bệnh từ xa, hệ thống Telehealth còn cho phép tiến hành các ca phẫu thuật trực tuyến. Các bệnh viện tuyến dưới sẽ trực tiếp tiến hành ca mổ dưới sự hướng dẫn và theo theo dõi của bệnh viện tuyến trên. Hiện hệ thống đã được triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, tiến tới sẽ lắp đặt tại tuyến xã.
Đẩy mạnh phẫu thuật trực tuyến
Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thực hiện một ca mổ u nang buồng trứng. Tuy nhiên, bệnh nhân lần này mới ngoài 20 tuổi nên không chỉ cần loại bỏ khối u mà còn phải đảm bảo khả năng sinh sản cho bệnh nhân sau này. Bệnh viện đã nhờ đến sự hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Một kíp mổ gồm bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ sản, bác sĩ ung bướu của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã được huy động ngồi trước màn hình để kết nối. Diễn biến của ca mổ được truyền trực tiếp về trung tâm khám chữa bệnh từ xa để 2 kíp mổ bàn bạc và thống nhất kịp thời.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có thể kết nối với 18 điểm cầu tuyến tỉnh. Không chỉ hỗ trợ giúp những ca phức tạp, bệnh viện cũng chú trọng công tác đào tạo, chuẩn hóa kỹ thuật cho đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới, ngay ở các ca bệnh đơn giản.
Để đáp ứng cho việc phẫu thuật từ xa, mỗi phòng mổ phải được lắp đặt hệ thống camera 360 độ và hệ thống đường truyền tốc độ cao, cho phép truyền tải hình ảnh và âm thanh rõ nét nhất. Đây là thách thức lớn đối với các bệnh viện tuyến dưới vì nguồn lực không nhiều, chưa kể đến tình trạng luôn thiếu trang thiết bị y tế. Vì vậy để có thể triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa đến cấp xã như kỳ vọng, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cũng như phân loại đối tượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Đến thời điểm này, đã có hơn 1.000 bệnh viện được kết nối với 27 bệnh viện trung ương tham gia đề án khám chữa bệnh từ xa. Thông qua việc tư vấn, hỗ trợ của các bác sỹ, chuyên gia của bệnh viện tuyến trên, nhiều ca bệnh khó đã được chữa khỏi và cũng là lần đầu tiên bệnh viện tuyến dưới thực hiện phẫu thuật thuật trực tuyến. Tuy nhiên, để đề án khám chữa bệnh từ xa được triển khai một cách hiệu quả, cần có lành lang pháp lý và thanh toán bảo hiểm y tế cho các ca bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!