Khi đàn chim không trở về...

Quốc Thái - Tạ Hậu-Thứ ba, ngày 07/06/2022 11:57 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

VTV.vn - Thời gian gần đây, số lượng chim ở Vườn quốc gia Tràm Chim đã giảm đi đáng kể, đặc biệt, nhiều loài quý hiếm như sếu đầu đỏ đã không về. Vậy nguyên nhân do đâu?

Lúa chết, chim không về

Cánh đồng lúa của gia đình anh Nguyễn Minh Em ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vốn dĩ nằm ngay sát bên Vườn quốc gia Tràm Chim. Cũng là vùng đệm của vườn quốc gia nhưng giờ thì nó đã ngăn cách bởi nhà máy gạch men. Hai năm kể từ khi nhà máy gạch hoạt động thì cũng là hai năm, nhiều diện tích lúa của gia đình anh bị hư hại.

Ruộng lúa thì như vậy, với cây mít của người dân cạnh đó cũng chẳng khá hơn. Những quả mít đang chuẩn bị cho thu hoạch bỗng vàng da rồi thối cuống. Tiếc của, nhiều người đã cắt xuống để chờ mít chín với hy vọng gỡ gạc được chút vốn nhưng để thêm ngày nào thì mít thâm đen thêm ngày đó. Chẳng cần chuyên gia nhận định, những người dân ở đây đều cho rằng: Chính khí thải của những ống khói nghi ngút từ nhà máy gạch đã làm cho lúa chết, mít rụng. Cây trái còn như vậy lý giải vì sao những đàn chim một đi không trở lại. Đó là chưa kể tiếng ồn ngày đêm từ các nhà máy.

Theo các nhà khoa học, trước đây, môi trường tự nhiên ở Tràm Chim là môi trường sống khá hoàn hảo của nhiều loài chim trong đó có sếu đầu đỏ với diện tích vườn lên tới trên 7000 hecta cùng vùng đệm và những bãi cỏ năng rộng tới vài nghìn ha. Nhưng giờ đây việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay xây dựng các các nhà máy ngay trong vùng đệm đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, khiến cho môi trường sinh thái tự nhiên đang bị xuống cấp nghiêm trọng và nhiều loài chim đã dần biến mất.

Được mệnh danh là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, Vườn quốc gia Tràm Chim với các cảnh quan tiêu biểu, hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, các loài động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên hệ sinh thái này đang đối mặt với "thiên la địa võng" cả trong lẫn ngoài. Chim chóc thì giảm hẳn, số lượng cây tràm thì tăng, nhưng những cây tràm này cũng ngả nghiêng trong nước ngập. Đến với Tràm Chim giờ đây chỉ còn tiếng ghe máy đưa du khách vào tham quan trong rừng tràm.

Khi đàn chim không trở về... - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tràm Chim vắng bóng chim

Về Tràm Chim, nơi được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười hoang sơ thu nhỏ" những ngày này, thật khó có thể nhìn thấy những đàn chim từ vài chục đến cả trăm con dù đã đi vào vùng lõi của vườn quốc gia này.

Dù là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới và đang được bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên sự cạn kiệt hệ động thực vật ở đây đang là điều có thật. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thay đổi hệ sinh thái, khai thác du lịch quá mức, đặc biệt, việc bán vé cho người dân vào câu cá ở rất sâu trong vườn cũng khiến các loài cá, rùa, rắn ngày càng cạn kiệt. Không những vậy, chim chóc cũng sợ mà phải bay đi.

Có bán vé, có cho phép thì dân câu cá mới xe lớn xe nhỏ kéo nhau đến câu như thế này và mỗi ngày có hàng trăm người từ khắp mọi nơi kéo nhau về đây để câu từ 6h tới 18h. Thời điểm chim bắt đầu đi ăn và chuẩn bị về tổ nhưng đã bị những dân câu khuấy động.

Lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim cho rằng để bảo tồn đa dạng sinh học của vườn, ngoài việc tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, các loài động vật thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sinh kế hợp lý cho người dân xung quanh, nhưng vùng đệm thì bị biến thành nhà máy gạch, nhà máy năng lượng mặt trời, thậm chí là nhà máy xay xát thì chả mấy nữa Vườn quốc gia sẽ chỉ còn là cái tên không hơn không kém.

Theo số liệu của Vườn quốc gia Tràm Chim, diện tích tự nhiên của vườn khoảng 7.300 ha với hơn 130 loài thực vật bậc cao, 231 loài thuộc hệ chim nước, 130 loài cá nước ngọt, cùng rất nhiều loài động thực vật nổi cũng như động thực vật đáy.

Từ năm 1980 đến năm 1998, lượng sếu đầu đỏ về là trên 1000 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 là 11 con nhưng từ năm 2020 đến nay thì sếu đầu đỏ đã không về.

Trong số hơn 200 loài chim ở Vườn quốc gia Tràm Chim thì có tới 16 loài có ý nghĩa bảo tồn toàn cầu. Tuy nhiên, phía ngoài vùng đệm thì ồn ào, ô nhiễm, còn bên trong vườn thì phải đối mặt với tình trạng dân cư xâm nhập và khai thác trái phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái hiện hữu. Một trong những hành động tác hại rất lớn đến chính là tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản và dùng lưới bắt chim.

Nguy cơ cạn kiệt cả chim và nguồn thủy sản

Với diện tích hơn 7 ngàn héc ta nhưng ba bề bốn bên đều là cư dân sinh sống với dân số lên đến trên 50 ngàn người, áp lực của cuộc sống và sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên đất ngập nước bên trong Vườn quốc gia Tràm Chim trong nhiều năm qua nên dù được bảo vệ nhưng cũng không ngăn cản được sự xâm nhập vào bên trong để khai thác tài nguyên.

Theo đại diện Vườn quốc gia Tràm Chim, những người xâm nhập này không chỉ đánh bắt các loài thủy sản mà còn dùng đủ thủ đoạn để bắt chim, khiến cho không chỉ nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt mà các loài chim cũng vì thế vắng bóng dần.

Người dân xung quanh thì tìm mọi cách để tận diệt các loài thủy sản; biến đổi khí hậu cùng với sự thay đổi hệ sinh thái đất ngập nước đã làm cho không còn nguồn thức ăn cho các loài chim dẫn đến mật độ cá thể của các loài chim bị giảm theo từng năm. Nếu không kiểm soát được, trong vòng 10-15 năm nữa, sự đa dạng sinh học sẽ mất đi hoàn toàn ở vườn quốc gia này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước