Khi người già "cô đơn"

Tiến Tú, Quỳnh Anh, Ngọc Phức-Thứ năm, ngày 08/06/2023 12:03 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam có khoảng 4,3 triệu người già sống một mình. "Cô đơn" là nỗi sợ thường trực của họ.

Nhân tháng 6, tháng có ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam 6/6, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của người già.

Người già "cô đơn" trong cuộc sống hiện đại

Chúng ta vẫn nghe một câu hát quen tai "thích một mình nhưng sợ cô đơn". Người trẻ hát nhưng nỗi cô đơn thực sự chỉ có người già mới thấm thía. Quả thực, người trẻ có nhiều sự lựa chọn với những hình thức vui chơi giải trí, hàng tá mối quan hệ xã giao hay sử dụng sự bận rộn công việc… để giải tỏa nỗi âu lo, khỏa lấp phần nào sự chênh vênh trong cuộc sống. Còn người già - đó là ông bà, cha mẹ - những người trong độ tuổi đang âm thầm về bên kia con dốc cuộc đời, họ có ít đặc quyền hơn vì kết nối xã hội, sức khỏe, tâm lý… đầy những hạn chế, khó khăn. Không muốn phiền hà con cháu hay bất kỳ ai, nhiều người đã lựa chọn xu hướng sống một mình khi về già, học cách chấp nhận với sự cô đơn ở tuổi xế chiều.

Tự do nhưng cô đơn là lựa chọn của bà Thu (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khi đã ở tuổi xế chiều. Cuộc sống chật chội trong những chung cư khiến bà cảm thấy ngột ngạt. Hơn nữa, những thói quen sinh hoạt trên thành phố, cách ăn uống làm người sống cả đời ở quê như bà cảm thấy lạc lõng.

Khi người già cô đơn - Ảnh 1.
Khi người già cô đơn - Ảnh 2.
Khi người già cô đơn - Ảnh 3.

Bà Thu tâm sự: "Các con cháu đi làm cơ quan đã mệt mỏi ức chế, có khi đến bữa ăn cũng không ăn cùng. Mình thương mình tức là mình thương các con, các cháu mình. Giả sử sau này già yếu bệnh tật cô xác định nếu không có điều kiện chăm sóc thì thuê người về chăm sóc, chỉ thích sống một mình, không muốn ở cùng con nào cả".

Sống một mình quá lâu đôi khi khiến người già không còn nhận ra là mình cô đơn, họ hài lòng với cuộc sống lặng lẽ như vậy. Chẳng ai muốn mình là kẻ cô đơn nhưng đôi khi không thể chọn lựa. Khăn gói xa gia đình để đến nơi mà mình không bị kì thị, bà Sợi (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một trong số những người đầu tiên đến ở, điều trị tại trại phong Đá Bạc và cũng là người cuối cùng ở lại đây khi lần lượt những người bạn thân nhất đều ra đi.

Khi người già cô đơn - Ảnh 4.
Khi người già cô đơn - Ảnh 5.

Cuộc sống chỉ trông chờ vào đàn gà hay mớ rau, củ sắn… mỗi lần đau ốm thì lại bán đi lấy tiền trang trải. Niềm vui nho nhỏ của bà đó chính là có người lạ đến thăm hàng ngày để được trò chuyện.

"Lúc có người chơi thì thấy nhanh lắm, lúc ở một mình thì mãi chẳng tối. Chúng nó về cứ nhìn theo, đêm đó không ngủ được. Sợ nhất là bà ốm thôi, không ai nấu chăm cho bà. Chứ chết thì bà không sợ. Ngã không gọi được ai thì nằm một lúc đỡ đau rồi dậy. Nghĩ đi nghĩ lại, khóc chán thì mỏi mồm thôi, cố tự bảo mình không khóc nữa" - bà Sợi chia sẻ.

Cô đơn nhưng không cho phép mình yếu đuối. Quyết định không chuyển đến trại phong khác, bà Sợi đã xác định gắn bó với nơi này. Dù ở lại chỉ để hương khói cho người đã mất, đối với bà Sợi, đó cũng là mục đích sống cuối cùng.

Việt Nam có khoảng 4,3 triệu người cao tuổi cô đơn cần chăm sóc

Việt Nam có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc ở cùng người dưới 15 tuổi cần được hỗ trợ chăm sóc. Đây là kết quả điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Bên cạnh đó, cấu trúc gia đình tại nước ta đang thay đổi rõ rệt khi tỉ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu đang ngày một giảm dần.

Khi người già cô đơn - Ảnh 6.

Theo ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: "Người Việt Nam có truyền thống ‘trẻ cậy cha, già cậy con’, nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ cùng chung sống. Tuy nhiên, sau gần 40 năm hội nhập, các gia đình truyền thống 3 - 4 thế hệ đã giảm dần. Theo số liệu thống kê năm 2021, ở Việt Nam đang có 65% người cao tuổi ở với con cháu, 35% người cao tuổi tự sống với nhau hoặc độc thân. Như vậy, truyền thống gia đình nhiều thế hệ ngày càng giảm và cũng thuộc về xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Mô hình sống với con cái hiện nay đang có xu hướng giảm dần và giảm rất nhanh để tiến tới mô hình sinh hoạt tập thể, sinh hoạt cộng đồng, cho thấy đời sống tâm lý và nhu cầu của người cao tuổi ngày càng được mở rộng".

Thu hẹp khoảng cách: Khi thời gian trở nên quý giá

Những xu hướng và những biến động về tỷ lệ cơ cấu dân số nói trên đặt ra nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó chăm sóc sức khỏe tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dù sống cùng con cháu hay sống riêng thì nhu cầu kết nối, được gần gũi và có những tương tác trực tiếp với con cháu của người cao tuổi chưa bao giờ giảm, thậm chí còn tăng lên khi người cao tuổi gặp những vấn đề về sức khỏe.

Do đó, nhiều con cháu ở độ tuổi 20, 30 hay những người con đã U50 đang có nhiều cách làm khác nhau để khoảng cách thế hệ được gần lại, đặc biệt khi những cách làm này đã thu hút hàng triệu lượt yêu thích trên mạng xã hội và lan tỏa đi những thông điệp tích cực.

"Em bé U" là cách ông Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dí dỏm gọi người mẹ đã gần 100 tuổi. Biết rằng sẽ chẳng thể chống lại sự nghiệt ngã của thời gian và tuổi tác, ông Hương đã tự tìm hiểu và xây dựng một kế hoạch chăm sóc phù hợp nhất dành cho mẹ của mình.

Khi người già cô đơn - Ảnh 7.
Khi người già cô đơn - Ảnh 8.
Khi người già cô đơn - Ảnh 9.

Ông Hương chia sẻ: "Tôi nghĩ quỹ thời gian của mẹ không còn dài, không còn lâu nữa. Còn mẹ là còn tất cả, những gì tích cực nhất tôi còn làm được sẽ dành cho mẹ".

Như một bác sĩ tâm lý, từ dỗi hờn, nhớ nhớ quên quên cho đến những cáu giận vô cớ của mẹ, ông Hương đều có cách giải quyết chỉ bằng một "bí kíp" duy nhất.

Khi người già cô đơn - Ảnh 10.

"Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là giữ trí nhớ cho mẹ tôi không lu mờ. Quan trọng nhất là ân cần vì người già khi lẫn, lúc đúng, lúc sai. Bên cạnh đó, cần tĩnh tâm, kiên trì và dành tích cực nhất cho cha mẹ, ông bà" - ông Hương cho hay.

Đặt mình vào vị trí người lớn tuổi cũng là cách anh Bằng (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) thu hẹp khoảng cách với người bà của mình. Những cuộc đối thoại ngắn nhưng khiến bà cười vui đã tạo nên những clip thu hút hàng triệu lượt xem và yêu thích.

Khi người già cô đơn - Ảnh 11.
Khi người già cô đơn - Ảnh 12.
Khi người già cô đơn - Ảnh 13.

Anh Bằng chia sẻ: "Tôi có những clip quay bà rất gần gũi và hài hước. Tôi muốn lưu giữ lại những kỷ niệm, khoảnh khắc nên quay tự nhiên nhưng không ngờ chạm được nhiều tình cảm của mọi người. Người lớn tuổi như bà tôi đã yếu rồi, rất cần con luôn gần gũi chăm sóc, để nói chuyện, giao tiếp giúp khuây khỏa, tinh thần lạc quan, ăn uống được nhiều, ngủ ngon hơn".

Khi người già cô đơn - Ảnh 14.

Chính những nhà sáng tạo nội dung triệu view này cũng không giải thích được lý do vì sao clip của mình lại được yêu thích đến thế. Có lẽ là bởi những nụ cười, những hình ảnh ghi lại cuộc sống hàng ngày với ông bà, cha mẹ là khoảnh khắc đẹp nhất mà con cháu nào cũng muốn lưu giữ lại, đặc biệt khi thời gian trở nên quý giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước