Khó khăn trong ngăn chặn vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Súng săn, súng hơi, đạn chì, thuốc nổ, đao, kiếm, giáo, mác…vẫn được mua bán tràn lan.

Thời gian qua, cùng với tình hình nóng lên của các loại tội phạm lừa đảo, thì tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ cũng trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa phương. Trong đó, hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ càng trở nên phức tạp hơn nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội. Gần đây nhất, Công an tỉnh Bắc Giang vừa bắt giữ đối tượng chế tạo, mua bán súng săn quy mô lớn.

6 khẩu súng săn, gần 700 linh kiện lắp ráp súng, hơn 4.000 viên đạn chì… và những clip quảng cáo, rao bán, dạy cách lắp ráp các loại súng hơi. Đó là những tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại nơi ở của 1 đối tượng tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên. Đối tượng khai nhận, đã tự quay các clip quảng cáo súng săn để đăng lên mạng xã hội. Và trong vòng hơn 1 tháng đã bán trót lọt gần chục khẩu súng hơi với giá từ hơn 4 triệu đến gần chục triệu đồng mỗi khẩu tùy loại.

Đối tượng này cho biết: "Linh kiện tôi đặt mua trên mạng. Mỗi khẩu súng tùy loại, sau khi trừ đi công lắp và tiền linh kiện thì lãi từ 2- 4 triệu đồng. Khách hàng thì cũng bán qua mạng nên không biết rõ họ ở đâu và cụ thể là ai...".

Khó khăn trong ngăn chặn vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ - Ảnh 1.

Hiện trên không gian mạng xuất hiện tràn lan những hội nhóm quảng cáo, rao bán, dạy cách làm công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ… Đơn cử như một đoạn videoclip hướng dẫn chế tạo súng hơi đốt bằng cồn... Chỉ với những nguyên liệu dễ tìm, chi phí thấp, nhưng lại có khả năng gây sát thương rất cao.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự hạn chế về mặt nhận thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội, muốn đăng tải những clip đó để khuyến trương bản thân, câu like, câu view... Và nguyên nhân của hiện tượng này cũng xuất phát từ những đối tượng xấu có tư tưởng cực đoan.

Từ hoạt động mua bán hay học cách chế tạo vũ khí, vật liệu nổ qua mạng, rất nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra. Như vụ hàng chục thanh thiếu niên tụ tập hỗn chiến, chạy xe máy tốc độ cao trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 9 vừa qua. Quá trình gây án, có đối tượng đã mang theo vũ khí nóng, bắn vào những người đi đường. Hậu quả khiến 3 người bị thương.

Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 của chính phủ. Mức phạt tiền cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự, mức hình phạt cao nhất có thể là 5 năm tù. Tuy nhiên, tình trạng tàng trữ, mua bán, sản xuất pháo nổ trái phép gia tăng ở nhiều địa phương. Đã có những vụ nổ thương tâm xảy ra. Hậu quả là những nỗi đau kéo dài.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Tuy nhiên, chính vì nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn nên theo thống kê, số tội phạm trong lĩnh vực này không ngừng gia tăng.

Trong 05 năm triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (năm 2022 xảy ra 1.127 vụ, 1.782 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ = 12,8 %, 350 đối tượng = 24,4 %), trong đó, nổi lên các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố (giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…) hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm cũng như chế tài xử phạt phù hợp với thực tiễn. Được biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Đây là bước sửa đổi cần thiết để từng bước kiềm chế loại tội phạm ngày càng manh động, phức tạp này, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Cùng trao đổi rõ hơn về thực trạng này với Thượng tá Trần Thế Cường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham những, buôn lậu và môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước