Phức tạp tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, năm nào cũng vậy lại trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa phương, nhất là vào dịp cuối năm. Công an tỉnh Bắc Giang vừa bắt giữ đối tượng chế tạo, mua bán súng săn qui mô lớn. Đồng thời phát đi cảnh báo, loại tội phạm này, với sự trợ giúp của Internet đã mở rộng địa bàn hoạt động, đe dọa đến trật tự, an toàn xã hội.
Những clip quảng cáo, giao bán, dạy cách lắp ráp các loại súng hơi; 6 khẩu súng săn, gần 700 linh kiện lắp ráp súng và hơn 4.000 viên đạn chì là những tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại nơi ở của một đối tượng tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên.
Đối tượng khai nhận, đã tự quay các clip quảng cáo súng săn để đăng lên mạng xã hội. Trong vòng hơn 1 tháng đã bán trót lọt gần chục khẩu súng hơi với giá từ hơn 4 triệu đến gần chục triệu đồng mỗi khẩu tùy loại.
Đối tượng Nguyễn Xuân Tiến - Thị trấn Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang khai nhận: "Linh kiện tôi đặt mua trên mạng. Mỗi khẩu súng tùy loại, sau khi trừ đi công lắp và tiền linh kiện thì lãi từ 2- 4 triệu đồng. Khách hàng cũng bán qua mạng nên không biết rõ họ ở đâu và cụ thể là ai".
Thượng tá Phạm Trọng Sang - Phó Trưởng Công an huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết: "Đối tượng vận chuyển hàng thông qua người quen, dịch vụ xe khách liên tỉnh, hoặc các dịch vụ giao hàng công nghệ. Đối tượng không ghi địa chỉ người gửi hoặc khai báo không đúng loại hàng hóa nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng".
Hiện trên không gian mạng xuất hiện tràn lan những hội nhóm quảng cáo, rao bán, dạy cách làm công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ… Đơn cử như đoạn video hướng dẫn chế tạo súng hơi đốt bằng cồn. Chỉ với những nguyên liệu dễ tìm, chi phí thấp, nhưng lại có khả năng gây sát thương rất cao.
Thượng úy Hà Anh Dũng - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: "Nguyên nhân của tình trạng này là do sự hạn chế về mặt nhận thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội muốn đăng tải những clip đó để khuếch trương bản thân, câu like, câu view. Và nguyên nhân của hiện tượng này cũng là xuất phát từ những đối tượng xấu có tư tưởng cực đoan, bạo lực muốn sản xuất, đăng tải những nội dung này lên là để cổ súy và lôi kéo những người khác tham gia vào các hoạt động bạo lực".
Từ hoạt động mua bán hay học cách chế tạo vũ khí, vật liệu nổ qua mạng, rất nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra như vụ hàng chục thanh thiếu niên tụ tập hỗn chiến, chạy xe máy tốc độ cao trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 9. Quá trình gây án, có đối tượng đã mang theo vũ khí nóng, bắn vào những người đi đường. Hậu quả khiến 3 người bị thương.
"Những người học và làm theo những clip này đã không chỉ gây ra những mối nguy hiểm cho chính bản thân họ, mà còn cho cả cộng đồng dân cư xung quanh họ. Những clip này cổ súy và kích động những người khác giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống bằng bạo lực. Chính vì thế cho nên việc phòng ngừa, ngăn chăn việc đăng tải những clip này trên không gian mạng đang là nhiệm vụ cấp thiết với các cơ quan chức năng", Thượng úy Hà Anh Dũng - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết.
Xử lý nghiêm tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ
Cơ quan công an khuyến cáo, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, không mua bán, đăng tải, chia sẻ hay học và làm theo các clip hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ. Các bậc phụ huynh cần giám sát việc truy cập mạng của con em mình bằng cách cài đặt các ứng dụng quản lý quyền truy cập trên các thiết bị thông minh.
Dịp cuối năm, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và đẩy mạnh công tác vận động, thu hồi vũ khí vật liệu nổ.
Theo Đại úy Lê Nguyệt Anh - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang: "Cần quan tâm nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới. Cần quản lý chặt chẽ địa bàn, chủ động nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này để có phương án đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát phối hợp các lực lượng hải quan, công an… trong công tác đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn".
Dưới góc độ pháp lý, hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo qui định tại Điều 11 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội. Mức phạt tiền cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Trần Thị Thanh Lam - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho biết: "Người nào thực hiện hành vi chế tạo tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định tại Điều 304, 305 Bộ Luật hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến là tù chung thân.
Hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự trong trường hợp người này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã từng bị kết án về tội này nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Mức hình phạt cao nhất có thể là 5 năm tù".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!