Các chiến sĩ Đoàn Phú Xuân giải phóng Huế ngày 26/3/1975. Nữ chiến sỹ biệt động Cao Thị Nhíp dẫn xe tăng tiến vào Sài Gòn. Xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 là ba trong số những bức ảnh được nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp tại chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Nữ chiến sỹ biệt động Cao Thị Nhíp.
Chiếc máy ảnh được ví như vũ khí riêng của những nhà báo như ông Đản, nguyên phóng viên Thông tấn Quân sự Tổng cục Chính trị Quân đội. Ông là một trong hai phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/04/1975.
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản - Nguyên phóng viên Thông tấn Quân sự Tổng cục Chính trị Quân đội chia sẻ: "Đến ngày chiến thắng, nhiều khi quên đi làm nhiệm vụ, quên đi cái nghề của mình là nghề phóng viên bởi trong niềm vui vỡ oà, cũng ôm nhau, cũng thân thiết. Sực nhớ đến nhiệm vụ của mình thì mới lao ra, đi chụp ảnh, khai thác, tìm hiểu người…".
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản.
Vào chiến trường miền Nam với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh, đưa những dòng tin, mỗi nhà báo chiến trường là một người lính. Một cuốn sổ tay, chiếc bút máy, chiếc máy ảnh, những cuộn phim là vật bất ly thân với những nhà báo. Đặc biệt, là cách thức truyền thông tin, bài viết về tòa soạn cũng thật khác biệt
"Điều quan trọng nhất của phóng viên chiến tranh thời điểm đó là làm thế nào để gửi được tài liệu về tòa soạn. Với kinh nghiệm thì chúng tôi phải chạy bộ, sau đó nhờ xe ra đến Đà Nẵng và gửi bài về Hà Nội" - Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản nhớ lại.
Những phóng viên chiến trường có người đã hy sinh, những người còn lại thì dũng cảm xông pha tới ngày toàn thắng. Bằng những vũ khí đặc biệt, họ đã tham gia cuộc kháng chiến, chiến đấu như những người lính.
Lịch sử tạo nên quá khứ còn những con người của hiện tại luôn dành sự trân trọng cho những khoảnh khắc đăc biệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!