"Khỏe vì nước": Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh

Mạnh Hùng-Thứ năm, ngày 19/05/2022 12:32 GMT+7

VTV.vn - Khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, khỏe để mang vinh quang về cho Tổ quốc, lời hiệu triệu "Khỏe vì nước" của Bác Hồ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Hôm nay (19/5) - Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta. Sinh nhật Bác năm nay đúng vào dịp cả nước đang hòa trong bầu không khí sôi nổi của SEA Game 31 với những nỗ lực của các vận động viên thể thao nước nhà.

Quyết tâm giành được những thành tích và thứ hạng cao của các vận động viên làm chúng ta nhớ lại ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội và Người đã châm ngọn lửa phát động phong trào "Khỏe vì nước".

Lời kêu gọi "Khỏe vì nước" của Bác có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Đó cũng là nguồn sức mạnh tinh thần hun đúc cho sự phát triển của ngành thể dục thể thao Việt Nam hôm nay.

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 1.

Lời hiệu triệu "Khỏe vì nước" của Bác Hồ

Lời kêu gọi của Bác Hồ ngày 27/3/1946 trên báo Cứu quốc trở thành kim chỉ nam cho phong trào thể dục thể thao trong nhân dân.

"Và đến ngày 30/3 thì đăng ở số 1 tạp chí Việt Nam Khoẻ, đó là tờ báo chính thức của Nha Thể dục Trung ương. Ngay sau đó, đồng chí Huy Khôi được cử làm Trưởng Ban tuyên truyền, đã cho in 5.000 bản lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hô hào toàn dân tập thể dục", nhà báo Trương Xuân Hùng, nguyên Phóng viên Báo Thể dục Thể thao từ năm 1961 (nay là báo Thể thao Việt Nam) nói.

Ngày 26/5/1946, phong trào "Khoẻ vì nước" do Người châm ngọn lửa phát động tại Đại hội Thanh niên Hà Nội đã lan tỏa ra cả nước.

Cụ Nguyễn Trọng Trí (trú tại Long Biên, Hà Nội) là một chiến sĩ cách mạng đã về hưu. Dù năm nay đã 88 tuổi nhưng hàng ngày, cụ vẫn tập thể dục mỗi sáng, đạp xe 6km mỗi ngày. Giờ đây, người đàn ông ấy giọng vẫn hào sảng khi nhớ lại không khí rèn luyện thể dục lúc bấy giờ.

"Thời kỳ đó gia đình tôi 4 anh em. Mấy anh em là ham mê lắm, từ nhỏ quen rồi. Ở nhà thành lập một bộ xà đơn, xà kép. Hàng xóm thấy anh em nhà tôi thích làm thể dục, thể thao rồi cũng sang tham gia, vui lắm", cụ Trí kể.

Những năm đầu cách mạng, núi rừng Việt Bắc từ Cao Bằng tới Tuyên Quang, đâu đâu cũng dấy lên phong trào rèn luyện thể dục thể thao.

Nhà báo Trương Xuân Hùng, nguyên Phóng viên Báo Thể dục Thể thao từ năm 1961: "Thể dục buổi sáng bằng một nghìn viên thuốc bổ, thì đó là một không khí chỗ nào cũng có. Càng thấm thía là, sức khỏe là quý nhất, hơn cả tiền bạc, thì chúng tôi cảm nhận được điều đó từ chính Bác Hồ của chúng ta".

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 2.

Nhớ lại tháng 3/1960, nhân Hội nghị thể dục thể thao, do bận việc không thể tới dự, Bác đã gửi một bức thư đầy xúc động với nội dung: Muốn lao động, sản xuất, công tác và học tập tốt cần có sức khoẻ. Muốn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục thể thao cho rộng khắp.

Nhà báo Trương Xuân Hùng cho biết thêm: "Trên dưới gần 100 đoàn thể thao vào Việt Nam từ năm 1957, Bác đều mời, Bác đều đón ở trong Phủ Chủ tịch. Và tôi cũng đã từng được nghe các trưởng đoàn, ví dụ Cuba, châu Phi họ nói lạ lắm mà sao lãnh tụ này Người lại quan tâm đến thể thao như thế".

Những năm chống Mỹ, thể thao Việt Nam chuyển hướng sang thời chiến, chú trọng hơn vào các bộ môn chạy việt dã, bơi lội, bắn súng.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tấm gương rèn luyện hằng ngày của chính Người có ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân Việt Nam, gắn với phương châm "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 3.

Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, Bác Hồ luôn dành thời gian quan tâm tới tất cả các ngành các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt tới thể thao. Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, Bác vẫn dành thời gian, thăm hỏi động viên các vận động viên trẻ và những lần gặp gỡ ấy đã trở thành những bài học quý giá, những ký ức không thể nào quên với những vận động viên trẻ thời bấy giờ để họ mang theo những lời động viên của Bác theo suốt cuộc đời.

Ký ức về Bác của các thế hệ vận động viên

Là một trong những vận động viên được vinh dự gặp Bác Hồ năm 1966 sau khi tham gia Đại hội thể thao châu Á Ganefo về nước, cựu vận động viên bóng chuyền Nguyễn Mạnh Hùng khi đó chỉ mới 17 tuổi, ký ức về bác trong ông luôn rõ nét như vừa được gặp bác ngày hôm qua.

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 4.

Tập luyện hàng ngày, sức khỏe dẻo dai, ý chí bền bỉ, luôn khắc cốt ghi tâm những lời Bác Hồ dạy, hai lần được gặp Bác Hồ đã trở thành dấu ấn đáng nhớ trong ký ức và sự nghiệp kình ngư Vũ Thị Sen. Năm 1965, khi đoàn thể thao Trung Quốc sang giao lưu thi đấu hữu nghị và vào thăm Bác, đó là lần đầu tiên cô gái quê Nam Định được cùng vào gặp và nghe lời bác dặn.

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 5.

Lần thứ hai bà Sen được gặp Bác năm 1966, niềm vui của như nhân lên gấp bội khi đoàn thể thao nước nhà đã mang về những thành tích đáng tự hào. Mãi sau này, bà Sen vẫn là ngọn đuốc truyền lửa cho các thế hệ sau, bà luôn theo dõi và ủng hộ cho ngành thể thao nước nhà bởi bà hiểu thể thao chính như một phần hình ảnh của đất nước.

Từng lời Bác dạy, từng lời động viên đã đi theo suốt cuộc đời của những vận động viên kiên cường năm ấy, để giờ đây những ngọn lửa luôn bừng cháy đã được truyền lại đến các thế hệ sau, và cứ thế các thế hệ nối tiếp các thế hệ vì một Việt Nam khỏe mạnh và quật cường.

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 6.

Từ những lời động viên giản dị của Bác, những ngọn lửa của ý chí rèn luyện thể thao đã được hun đúc. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn vẹn nguyên những giá trị ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Với những vận động viên trẻ ngày nay, tinh thần đó còn được tôn thêm bởi những thành tích đầy tự hào tại những đấu trường quốc tế; trong hành trang chính phục những tấm huy chương, những thành tích đặc biệt tại SEA Games 31

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 7.

Những vận động viên trẻ làm rạng danh thể thao Việt Nam

SEA Games 31 tại Việt Nam, thêm một lần nữa, hình ảnh của tinh thần thể thao Việt Nam lại được tỏa sáng. Đặc biệt với sự xuất hiện của những vận động viên trẻ. 21 tuổi, từ một cậu bé làng chài, bằng sự khổ luyện, Nguyễn Huy Hoàng đã trở thành vận động viên tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam năm 2021, phá kỷ lục bơi cự ly 400m của SEA Games ngay tại sân nhà.

Khỏe vì nước: Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh - Ảnh 8.

Thể thao cũng là động lực để chúng ta vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Đó là câu chuyện của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Từ sự suy sụp khi đối diện với căn bệnh viêm cầu thận khi sự nghiệp chuyên nghiệp mới chớm nở. Cô gái "hạt tiêu" của điền kinh Việt Nam đã chiến đấu vượt qua khó khăn và mang về những vinh quang cho nước nhà. Với 8 Huy chương Vàng SEA Games trong đó có 3 Huy chương Vàng dành được trên sân nhà.

Bằng sự khổ luyện, đam mê và một tinh thần quyết thắng, những vận động viên trẻ đã không ngừng tỏa sáng niềm tự hào của thể thao Việt Nam, đưa tinh thần trong lời hiệu triệu của Bác trở thành kim chỉ để hướng tới những vinh quang rạng ngời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước