Nỗi lo nguồn vốn khi về quê lập nghiệp
Bỏ phố về quê để sinh sống và lập nghiệp được xem là trào lưu của không ít những người trẻ tuổi trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên dù với bất cứ lý do, mục tiêu nào, để về quê lập nghiệp và có thể sống tốt với nghề truyền thống địa phương hay tạo dựng một công việc mới, những người trẻ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nguồn vốn chính là bài toán khó.
Tiền ở đâu, vốn ở đâu là nỗi lo đầu tiên của ông Lý (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định) khi nghe người con trai chia sẻ quyết định về quê nối tiếp nghề truyền thống sau những năm bôn ba xa quê, cũng bởi muốn nghề được mạnh, không thể làm mãi với cái máy bào cũ hay ngồi đục thủ công ngày qua ngày.
"Làm lâu dài, chứ không thể làm ngày 1, ngày 2 nên nguồn vốn phải ổn định", anh Vũ Đình Thạch, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định, chia sẻ.
Được sự ủng hộ của gia đình, anh Thạch mạnh dạn tìm hiểu và tiếp cận nguồn vốn thông qua mô hình tổ vay vốn tại địa phương.
Nguồn vốn, trăn trở chẳng phải của riêng anh Thạch, sau 5 năm đi làm ăn xa, vợ chồng chị Huyên (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định) quyết định về quê để có vợ, có chồng cùng nhau chăm sóc con cái, vốn rất khó khăn mới có được. Hy vọng kinh tế đặt vào việc mở một xưởng dệt nhỏ, nhưng xưởng nhỏ, khó khăn lại chẳng nhỏ, bởi vốn khó, bó sản xuất.
"Lúc đầu không có máy móc, chỉ đi nhờ gia công. Đến nhà người ta mắc thì phải thuê xe. Khi người ta phải rỗi thì người ta mới mắc cho, còn nếu người ta không rỗi thì người ta cũng không mắc cho", chị Nguyễn Thị Huyên, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định, cho biết.
Sản xuất khó lại bó ngược cơ hội đi vay. "Phải thân quen thì người ta mới cho vay, chứ không phải ai người ta mới cho vay, phải thực sự tin tưởng, chủ yếu vay người nhà là chính, bên ngoài người ta không tin tưởng cho vay", chị Huyên cho biết thêm.
Khơi nguồn vốn để lập nghiệp ở quê nhà
Để bám trụ và phát triển kinh tế trên chính quê hương, rõ ràng những người trẻ tuổi không thể chỉ cần có quyết tâm hay mong muốn. Bài toán tiền ở đâu để đầu tư cho sản xuất để phát triển nghề truyền thống vững hơn, mạnh hơn đã được những người trẻ gỡ khó từ chính sự năng động, tự tin của mình và cũng từ cả những nguồn hỗ trợ thông qua các mô hình vay vốn, đẩy mạnh phát triển kinh tế tại nông thôn.
"Vốn không có, mà làm cần phải có máy móc, phải vay vốn, thì bảo con cứ quyết định mà làm", ông Vũ Văn Lý, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định, cho hay.
Được sự ủng hộ của gia đình, anh Thạch mạnh dạn tìm hiểu và tiếp cận nguồn vốn thông qua mô hình tổ vay vốn tại địa phương.
"Qua tìm hiểu và tiếp cận với tổ vay vốn. Số lượng vốn nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của mình", anh Vũ Đình Thạch, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định, cho biết.
"Khách hàng muốn vay thì trước tiên là chúng tôi phải tìm hiểu vay để làm gì, vay với mục đích gì. Thuận lợi là chúng tôi ở trong xóm, trong làng nên biết rất rõ về nhau", ông Vũ Khắc Đính, Tổ trưởng Tổ vay vốn xóm 3, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định, chia sẻ.
Từ thông tin đúng, đủ về người có nhu cầu vay vốn của tổ vay vốn, việc thẩm định nhanh chóng được hoàn tất. Thời gian người vay nhận được tiền ngắn, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất.
Nguồn vốn được "nối dài", nhà xưởng xây mới, máy móc mua mới, những đơn hàng mới, cơ hội mới cũng theo đó tìm về.
Còn nhà chị Huyên (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, Nam Định), nhờ điểm tựa từ nguồn vay, nay không chỉ có thêm máy mắc sợi, mà đã có tới 6 máy dệt so với 2 máy những ngày đầu sản xuất. Lợi nhuận mỗi tháng tăng gấp 3 lần. Niềm vui vì kinh tế gia đình thêm vững được nhân lên trong nụ cười sum vầy của cả gia đình, khi người chồng, người cha không còn xa nhà như trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!