Không để tin giả ảnh hưởng xấu đến xã hội

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/07/2021 19:28 GMT+7

VTV.vn - Trong khi cả nước nỗ lực chống dịch COVID-19, người dân lại phải chống chọi với thứ dịch bệnh nguy hiểm không kém: tin giả.

Mới đây 1 tài khoản đăng ảnh kèm bình luận: "Một người dân đã phẫn uất, ngay giữa đường bức bách… tự thiêu do cách thức chống dịch đầy chủ quan, phiến diện". Trong khi đó, nạn nhân của vụ tự thiêu vốn bị tâm thần từ năm 19 tuổi và hoàn toàn không mắc COVID-19. Người nhà của anh bức xúc lên tiếng: "Hoàn toàn không liên quan gì tới COVID hết. Em nó xưa nay cũng rất hòa nhã, không có bức xúc hay thù hận chuyện gì hết". Cơ quan chức năng đã khởi tố bị can, khởi tố vụ án vì đăng tin sai sự thật.

Thời điểm này xuất hiện nhiều tin giả giật gân nhằm tăng tương tác. Tin giả liên quan sức khỏe là phổ biến nhất.

- Chiều nay, 16-18h sẽ phát 7 tấn gạo cho bà con nghèo, 10kg/người ở sau Quảng trường 2/4 Nha Trang - thực tế, không có bất cứ ai phát gạo. Tin giả làm bà con tụ tập đông người giữa mùa dịch, người đăng bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

Không để tin giả ảnh hưởng xấu đến xã hội - Ảnh 1.

- Video chia sẻ "Phương pháp chữa trị COVID-19 tại nhà do bác sĩ Thùy Trang hướng dẫn, nếu làm theo hướng dẫn thì 99% sẽ khỏi bệnh trong 5 ngày" thu hút gần 3,5 triệu lượt xem, hơn 240.000 lượt chia sẻ. Sở Y tế Lâm đồng bác thông tin bịa đặt này, còn chủ tài khoản Facebook bị xư phat 7.5 triệu đồng.

- Một anh Việt kiều bị nhiễm corona virus được bác sĩ Mỹ cho dùng Tylenol và đã khỏi vài tuần sau đó. Thực tế, Tylenol cũng chỉ là thuốc chứa acetaminophen như nhiều thuốc thông thường khác có ở Việt Nam, nhưng người đăng lại tranh thủ bán Tylenol với giá cắt cổ 800 nghìn đồng/hộp.

Trong khi cả nước nỗ lực chống dịch COVID-19, người dân lại phải chống chọi với thứ dịch bệnh nguy hiểm không kém: tin giả.

Với loại virus này, có lẽ người đọc cũng cần 5k để phòng tránh sự lây lan:

Không tin ngay

Không nút thích

Không thêm thắt

Không kích động và

Không chia sẻ

Vaccine với mỗi chúng ta chính là ý thức trách nhiệm và cái đầu tỉnh táo!

Xử phạt nặng những cá nhân, tổ chức phát tán tin giả

5 tháng đầu năm, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam công bố dán nhãn 37 tin giả. Tổng đài 18008101 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận gần 2400 cuộc gọi đến. Các đơn vị chức năng Bộ TTTT đã xử phạt các các nhân đưa thông tin sai sự thật với tổng số tiền 177 triệu đồng.

Phát hiện tin giả ngay tại địa phương, xử lý tại chỗ, hạn chế tối đa tin giả phát tán được cụ thể hóa trong công văn của Bộ TTTT gửi các tỉnh thành phố cuối tháng 7 vừa qua. Đây cũng là điểm mới trong Nghị định 72 về đảm bảo an toàn thông tin trên mạng Internet.

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội có thể xử lý hình sự với mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với những cá nhân, tổ chức chịu ảnh hưởng từ những thông tin sai sự thật.

"Cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về bồi thường thiệt hại cho những cá nhân tổ chức bị ảnh hưởng bởi thông tin giả, như thế sẽ tạo hành lang pháp lý dễ dàng xử phạt và tăng tính răn đe đối với những đối tượng đưa thông tin giả mạo" - luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông nói.

Hiện Google và Facebook đã đồng ý ngăn chặn, gỡ bỏ rất nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng mạng xã hội cần trở thành người chia sẻ thông tin có trách nhiệm. Nếu không có ngày, chính gia đình và người thân lại trở thành nạn nhân từ những cú click chuột vô tình hay cố ý của họ.

Trên các kênh truyền thông, các cơ quan báo chí cũng vào cuộc để phản bác những thông tin này, góp phần tích cực ngăn chặn tin giả, tăng cường sự tin cậy của người đọc vào báo chí chính thống.

Phát huy sức mạnh báo chí chống tin giả

"Ai đang âm mưu?" - bài viết trên Báo Quân đội nhân dân ra đời ngay khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin kích động gây chia rẽ về đoàn sinh viên tình nguyện Hải Dương tại TP. Hồ Chí Minh. Ngay lập tức nó được chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang báo khác, kịp thời định hướng dư luận. Rất nhiều bài viết như vậy xuất hiện trong chuyên mục "Nhật ký đối mặt" được tòa báo thiết lập ngay từ đầu mùa dịch, đấu tranh trực diện với tin giả, tin đồn thất thiệt.

Báo Đại Đoàn kết có chuyên mục được yêu thích nổi bật lâu nay là "Góc nhìn", cũng dành 70% thời lượng để phân tích chuyên sâu về tình hình chống dịch. Từ những quyết sách của Chính phủ đến hướng dẫn phòng dịch, tâm tư của người dân được phản ánh kịp thời, chính xác với phương châm: Lấy tin thật đẩy lùi tin giả, hoa thơm đẩy lùi cỏ dại.

Trong đại dịch, các nhà báo đã thức cùng dòng chảy tin tức. Nhờ có thông tin chính thống kịp thời, người dân đã bình tĩnh hơn nhiều so với các đợt dịch trước. Tình trạng tích trữ thực phẩm, tăng giá hàng hóa, găm giữ thiết bị y tế phòng dịch đã giảm hẳn. Lượng bạn đọc tìm đến các kênh báo chí chính thống tăng trung bình từ 30-50%.

Giờ đây, độc giả không còn lạ lẫm với các trang fanpage hay ứng dụng mobile của nhiều tờ báo lớn, chỉ 1 cái chạm tay là chạm được vào nguồn tin đáng tin cậy. Công nghệ đang tiếp sức cho báo chí chân chính giành lại thế thượng phong trong cuộc chiến chống tin giả trên mạng xã hội, dù chặng đường còn nhiều gian nan.

Công an Hà Nội truy tìm đối tượng tung tin giả '3000 chốt kiểm tra trên toàn thành phố' Công an Hà Nội truy tìm đối tượng tung tin giả "3000 chốt kiểm tra trên toàn thành phố"

VTV.vn - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết thông tin đang lan truyền trên MXH về việc "Hà Nội sẽ có 3000 chốt kiểm tra, mỗi phường 10 chốt..." là sai sự thật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước