Không thể chịu đựng được với những ngôn từ mà hai nhân vật này sử dụng
Một clip chửi bới qua lại, thách thức đánh nhau với những lời lẽ vô văn hóa và tục tĩu của hai thanh niên mà chỉ đăng lên mạng khoảng 1 tháng thôi đã có hơn 1,1 triệu lượt xem. Nếu vô tình phải xem thì nhiều người không thể chịu đựng được với những ngôn từ mà hai nhân vật này sử dụng. Vậy mà clip trên lại được đăng công khai, bất kể lứa tuổi nào cũng có thể xem được. Hãy thử tưởng tưởng, nếu con cháu chúng ta chẳng may xem phải những clip với nội dung như vậy thì sẽ như thế nào?
Lâu nay, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều video clip có nội dung vô bổ, thiếu văn hóa như: nấu cháo gà nguyên lông, nấu cơm bằng nước ngọt có ga hay những thử thách rùng rợn, nguy hiểm như leo cột điện cao thế hay một ngày sống trong quan tài.
Những kênh video núp bóng "dành cho" trẻ em nhưng lại truyền bá mê tín dị đoan, ngôn từ tục tĩu, nội dung phản cảm… Hay những kênh video chuyên theo chân kẻ giá danh thầy chùa phát ngôn xằng bậy, hành động ngông cuồng.
Những kênh video chuyên giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, nhưng nội dung thể hiện sự thiếu hiểu biết về văn hóa, ẩm thực của địa phương.
Thậm chí công khai đang là "người thứ 3", cặp bồ với vợ/chồng của người khác để tăng lượt xem, tăng tương tác, bất chấp xã hội lên án.
Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm loại clip rác đang tràn lan trên những nền tảng chia sẻ video. Một vài trong số đó là vô tình. Nhưng cũng không thiếu những người sẵn sàng dùng đủ chiêu trò độc dị, bất chấp giá trị sống, đi ngược lại những điều hay, lẽ phải.
Một số người sử dụng đủ loại chiêu trò để sản xuất ra những clip nhảm nhí, phản cảm, dung tục, thậm chí là vi phạm pháp luật. Họ bất chấp tác hại và hệ lụy đối với người xem và xã hội, bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa, miễn là thu hút được nhiều lượt yêu thích, theo dõi, bình luận, càng nhiều càng tốt.
Vậy mục đích của họ là gì? Đó là được nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền từ các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Càng bị lên án thì những video đó càng dễ kiếm tiền. Tiền thì chảy vào túi họ còn cái hại thì cứ chảy từ từ vào tâm hồn con em chúng ta.
Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận, ngày càng nhiều người làm video, tìm mọi cách để thu hút lượt xem, thậm chí, coi rẻ cả mạng sống của chính mình. Dù cho số người kiếm được nhiều tiền từ mạng xã hội đếm trên đầu ngón tay, nhưng có hề gì, cơn sốt làm video trực tuyến vẫn lôi kéo ngày càng nhiều người tham gia, không khác gì một cơn sốt đất hay sốt tiền ảo.
Nguy hiểm ở chỗ, mục tiêu của cơn sốt đó, "món hàng bán được giá nhất" chính là trẻ em – đối tượng hiện xem video nhiều nhất, và dễ bị ảnh hưởng nhất.
Phản cảm, lệch lạc trên một số báo mạng, trang thông tin điện tử
Tin tức giật gân, câu khách không chỉ đến từ Facebook, Youtube hay Tiktok mà còn xuất hiện trên báo chí.
Thực tế thời gian qua, đã có một số tờ báo, cơ quan báo chí, các trang tin điện tử xa rời tôn chỉ, mục đích, còn chạy theo xu hướng thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều tít bài giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục trên một số tờ báo, trang tin điện tử
Trên một số báo điện tử, trang tin điện tử, những tin bài đi theo trào lưu Sốc - Sến - Hở, soi mói đời tư cá nhân, xâm phạm quyền nhân thân xuất hiện liên tục, rồi cũng được các ban biên tập gắn cho cái mác rất ý nghĩa: Văn hóa.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Không lẽ nền tảng ấy chỉ là thế này sao?
Việc các tờ báo có tin tức giải trí là cần thiết. Nhiều tờ dành cho giới trẻ lượng tin giải trí chiếm tỷ lệ lớn cũng là bình thường.
Nhưng khi để những tin bài dạng Sốc – Sến – Hở, những tin bài về chuyện yêu đương của hotgirl này, số đo ba vòng của người mẫu kia dưới cái mũ "Văn hóa" như một số tờ báo, trang tin đã và đang làm để "câu khách", "tăng view" thì thực sự là đã hạ thấp vai trò của văn hóa, hạ thấp thị hiếu của người đọc, người xem.
Những hình ảnh khoe thân, ăn mặc hở hang, những chuyện ly hôn, ngoại tình, tình tay ba…ngập tràn trên nhiều trang báo mạng, bên dưới những dòng tít giật gân.
Một luận án tiến sỹ mới đây công bố số liệu khảo sát 3 trang báo mạng lớn hàng đầu tại Việt Nam trong 3 năm từ 2014 đến 2016 cho thấy: Trong số các bài viết về nghệ sỹ chỉ có khoảng 10% tin bài đề cập tới hoạt động nghệ thuật của họ, còn 90% là mổ xẻ những chuyện hậu trường đời sống. Trong số đó nội dung mang tính tiêu cực chiếm tới 60%.
Cách đây ít lâu, chuyện tình cảm giữa cô gái thường được gọi là nữ hoàng nội y với bạn trai tỉ phú Việt kiều nhiều tuổi từng xuất hiện dày đặt trên mặt báo.
Thống kê trong gần 1 tháng có gần 80 bài viết trên những trang báo mạng lớn nhất về chuyện tình này. Gần một nửa mô tả đó là mối tình hạnh phúc, còn một nửa thì chỉ trích, lên án. Cùng một trang báo, hôm nay khen, mai lại buông lời chê bôi. Nhiều người đặt câu hỏi: rốt cục tờ báo đó đang dẫn dắt công chúng theo hướng nào?
Trên thực tế, nhiều tờ báo dường như quên mất tôn chỉ mục đích của mình. Tạp chí sức khỏe cũng viết bài về kinh tế, báo về giáo dục cũng điều tra doanh nghiệp.
Cuộc đua khoán doanh thu, câu view khiến không ít tờ báo phai mòn bản sắc, thậm chí sai phạm nghiêm trọng. Thống kê của Cục báo chí, 5 năm qua có tới hơn 40 nhà báo bị thu hồi thẻ, gần 180 tờ báo bị xử lý vi phạm, trong đó phần lớn là báo và tạp chí điện tử.
Thóa mạ, bắt nạt trên mạng xã hội và hệ quả đau lòng
Tham gia thế giới mạng, không ít người cho rằng mình có quyền nói gì thì nói, nói không cần nghĩ, phê phán không cần suy xét hay chịu trách nhiệm. Và từ đó, họ có những hành động, phát ngôn gây sốc, bừa bãi, thậm chí đưa ra thông tin bịa đặt, bôi nhọ, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận.
Có những người vô can bỗng một ngày thấy mình thành đối tượng được cư dân mạng truy tìm chỉ vì một bức ảnh, kèm theo những lời xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Thậm chí có những trường hợp do áp lực bởi những lời nói xấu trên mạng xã hội, nạn nhân đã tự tử.
Đó là chưa kể hiện tượng a dua, sẵn sàng "ném đá" tập thể về một ai đó cũng ngày một gia tăng. Bằng chứng là hàng loạt nhóm, hội anti-fan đã được lập ra. Các nhóm, hội này thu hút từ vài nghìn đến vài triệu thành viên tham gia với nội dung chủ yếu là nói xấu, mạt sát, bịa đặt nhằm "hạ thấp" người nổi tiếng. Họ không ngại chế ảnh, cắt ghép bình luận... rồi chửi bới, lăng mạ người mà mình không ưa bằng những lời lẽ khiếm nhã, vô văn hóa.
Chuyện kỳ thị cá nhân đã có bao câu chuyện đau lòng xảy ra. Có người trầm cảm, có người sụp đổ cả sự nghiệp, gia đình tan nát, thậm chí đi tìm cái chết để giải thoát. Nhưng những nhà quản lý hãy hình dung xem: nếu những lời thóa mạ, miệt thị ấy mà họ dùng để kỳ thị vùng miền, sắc tộc thì hậu họa sẽ ra sao? Khi ấy nó có thể bị lợi dụng gây ra kích động, chia rẽ, đẩy tới những nguy hại không thể đong đếm được.
Theo 1 kết quả nghiên cứu mới được Microsoft công bố, tại Việt Nam, hơn 50% người dùng mạng cho biết họ từng có liên quan đến một "vụ bắt nạt", nghĩa là họ có thể là nạn nhân hoặc chính họ bắt nạt người khác. Cũng theo khảo sát của Microsoft năm 2020 trong 25 quốc gia, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ ứng xử kém văn minh nhất trên không gian mạng.
Chỉ trong quý 3 năm 2020, hệ thống trí tuệ nhân tạo của Facebook phát hiện hơn 22 triệu nội dung khiêu khích sự thù hận trên mạng xã hội này, cao gấp 3 lần so với năm trước. Người dùng tại Việt Nam góp phần bao nhiêu trong khối thù hận này? Khó mà biết được, nhưng hậu quả thì khôn lường bởi chúng ta nằm trong số các quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.
Làm sao để ngăn chặn "rác văn hóa" trên không gian mạng?
"Nấu cháo gà nguyên lông", dạy trẻ "lấy cắp tiền đập bể heo đất", Hưng Vlog bị xử phạt 17,5 triệu đồng, bị gỡ kênh và biến mất trên không gian mạng.
Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Khá Bảnh lần lượt thụ án hình sự nhiều tháng tù giam với các hành vi đánh bạc, chơi ma túy, đánh người, gây rối. Những "giang hồ mạng" với những clip bạo lực, cờ bạc, ăn chơi thác loạn tràn ngập trên YouTube.
Nhiều youtuber đăng clip rác, "giang hồ mạng" đã bị xử lý
200 link Facebook, 6300 link YouTube chứa nội dung nhảm nhí, độc hại đã bị Cục an ninh mạng, Bộ Công an yêu cầu các trang mạng xã hội gỡ bỏ.
Tính đến tháng 3 năm nay, Bộ Thông tin truyền thông đã xử phạt 32 vụ vi phạm đưa thông tin xấu độc trên mạng xã hội với tổng số tiền phạt là hơn 762 triệu đồng. Mức xử phạt hành chính hiện chưa đủ sức răn đe, nên Bộ đang tìm giải pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán với những video phản cảm bất chấp đạo lý để kiếm tiền.
Tháng 11 năm ngoái, ngay sau văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Google, 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực... đã bị Google ngừng chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ. Trước những động thái cứng rắn và quyết liệt của các cơ quan quản lý, trên tinh thần phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95%, YouTube là từ 50% lên 87%.
Tuy nhiên, định nghĩa như thế nào là "video rác" và những nội dung gì cần quản lý cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, gây khó cho việc thực thi pháp luật. Sau khi bị xử phạt, nhiều clip của Khá Bảnh, Hưng Vlog vẫn tồn tại nhan nhản trên mạng.
Việc xử lý "rác văn hóa" hiện nay, dù cơ quan chức năng rất muốn quyết liệt nhưng vẫn có những cái khó. Đó là việc các nền tảng mạng không nằm ở Việt Nam. Nhiều tài khoản MXH, trang web vi phạm pháp luật rất nhiều lần, đưa thông tin bịa đặt, xuyên tạc rất nhiều lần nhưng vẫn không xử lý được vì cả chủ nhân và máy chủ đều ở nước ngoài.
Thực tế là không gian mạng đang và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, dẫn đến việc ra đời của nhiều mạng xã hội. Nhu cầu đưa lên mạng các sản phẩm văn hóa, với đủ loại tốt xấu cũng tăng theo, hầu hết đều không qua kiểm duyệt.
Cuộc chiến với rác trên không gian số không chỉ trông chờ vào sự "mạnh tay" của các cơ quan chức năng, mà còn phụ thuộc vào bàn tay nhấp chuột của người dùng.
Nếu chúng ta không tiếp tay bởi những nút thích hay chia sẻ, "nấm độc" sẽ không còn đất sống. Rất cần sự vào cuộc của cả xã hội, nhà trường, và đặc biệt là các bậc phụ huynh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!