Những ngày cuối năm thời tiết ấm áp cho mọi người đi mua sắm Tết, thế nhưng khung cảnh lại không mấy nhộn nhịp. Lượng người đến tham quan, mua sắm tại các chợ hoa, cây cảnh vẫn khá thưa thớt. Không khó để bắt gặp cảnh người bán "ngóng" người mua. Dù đã nhiều năm kinh doanh đào tại chợ hoa Vạn Phúc - Hà Đông, nhưng chị Nguyễn Thị Vân cho hay vào thời điểm này những năm trước, chị có thể bán vài chục gốc đào 1 ngày. Nhưng hiện tại số lượng giảm đáng kể, đa phần là khách quen gửi cây từ năm trước còn khách mua mới rất ít.
Không chỉ các hộ bán đào mà những hộ bán quất cảnh, mai vàng cũng chung cảnh ngộ người bán nhiều hơn người mua. Còn với những khách hàng, ít có khi nào họ đi sắm Tết mà lại không phải chịu ảnh chen chúc, đông đúc như năm nay. Việc mua sắm cũng thoải mái hơn, không vội vàng và còn rất nhiều cây dáng đẹp để lựa chọn.
Theo dự báo từ giờ đến thứ Sáu thời tiết Hà Nội và Bắc Bộ chỉ lất phất mưa vào buổi sáng; hửng nắng ấm áp vào trưa chiều, thuận lợi cho các công đoạn cuối cùng chuẩn bị đón Tết. Sau đó từ thứ Bảy khả năng sẽ có một đợt không khí lạnh tràn về làm trời chuyển mưa rét.
Dự báo thời tiết Tết
Theo dự báo, đợt không khí lạnh tràn về vào thứ Bảy này sẽ có cường độ mạnh làm nhiệt độ miền Bắc giảm sâu và có thể rét kéo dài trong những ngày Tết. Để có những thông tin cụ thể hơn về đợt rét này cũng như thời tiết Tết ở các vùng miền khác trên cả nước; PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Năng thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
Ông Trần Quang Năng cho biết: "Khoảng đêm 28/1, ngày 29/1, tức khoảng ngày 27 tháng Chạp, sẽ có 1 đợt không khí lạnh mạnh tăng cường và ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta. Và do sau đó không khí lạnh liên tục được bổ sung nên trong những ngày của dịp Tết Nguyên đán tình trạng rét sẽ xảy ra nhiều nơi, đặc biệt là vùng núi cao có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt rét lần này. Dự báo nhiệt độ miền Bắc thấp nhất có thể xuống 13-16 độ, vùng núi 11-14 độ, vùng núi cao có nới dưới 5 độ. So sánh với trung bình cùng thời kỳ các dịp Tết Nguyên đán cũng như tháng 2 chúng tôi đánh giá năm nay sẽ là một năm được dự báo có nhiều mưa nhỏ, mưa phùn, thời gian xảy ra tập trung về đêm và sáng.
Ở miền Trung đa phần sẽ có trạng thái trời lạnh ở phần phía Bắc và trời mát hơn ở phần phía Nam. Và sẽ có mưa rào trong thời kỳ mùng 1 - mùng 3 Tết. Ở Tây Nguyên Nam Bộ được dự báo ít mưa, chủ yếu trời nắng. Nhiệt độ cao nhất trên 30 độ, thời tiết tương đối ấm áp".
Như vậy, mỗi một khu vực lại đón Tết trong những sắc thái thời tiết khác nhau. Với miền Bắc năm nay người dân sẽ đón Tết với tiết trời rét, có mưa xuân. Và cũng đã lâu rồi mới có một năm thời tiết đúng quy luật như năm nay.
Thời tiết Tết đúng quy luật
Theo số liệu thống kê trong vòng 12 năm qua, số năm Tết ở miền Bắc có mưa phùn, gió bấc ít hơn, mà thay vào đó đa phần có tiết trời nắng, thậm chí nóng. Lần gần đây nhất người dân Bắc Bộ được hưởng thời tiết đặc trưng của ngày Tết, mưa phùn nền nhiệt trung bình ngày thấp dưới 20 độ cũng đã 6 năm trước vào năm 2016.
Thời tiết rét kèm với mưa ẩm vào đúng dịp Tết phần nào khiến chúng ta cảm thấy bất tiện trong việc đi lại. Thế nhưng qua bao nhiêu năm Tết nóng, năm nay chúng ta mới được cảm nhận không khí đặc trưng của ngày Tết miền Bắc. Và trong hoạt động sản xuất hay trong tiềm thức của người dân Bắc Bộ, đầu năm một chút mưa xuân cũng mang nhiều lợi ích và ý nghĩa.
Ý nghĩa mưa xuân ngày Tết
Nhà chị Dương Thị Thúy Xuân (Quốc Oai, Hà Nội) có 3 sào ruộng trồng lúa, hiện đã tiến hành gieo mạ để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân đến ra Tết sẽ bắt đầu cấy. Từ giờ đến khi cấy, cây mạ non cần nhiều nước để phát triển cứng cáp. Cứ 3-4 ngày chị phải ra kiểm tra mạ một lần; nếu trời không mưa sẽ phải tưới để đủ ẩm. Dự báo trong những ngày Tết Nguyên đán trời sẽ có mưa xuân, giúp chị giảm được công đoạn này và cây mạ được hấp thụ nguồn đạm trời.
Không chỉ với ruộng lúa của nhà chị Xuân, vườn bưởi của nhà bà Nguyệt cũng đang chuẩn bị cho vụ mới. Đây là giai đoạn cây cần nước thường xuyên để sinh trưởng khỏe mạnh hơn.
"Mưa xuân sẽ giúp cây bưởi nảy lộc, đâm chồi tự nhiên và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn cho cây. Mùa xuân cho ra hoa, kết trái tốt hơn, quả đẹp, cây cối tươi xanh hơn là không mưa" - bà Nguyễn Thị Nguyệt (Quốc Oai, Hà Nội) cho hay.
Sau một mùa đông khô hanh, tiết trời được gột rửa bằng những cơn mưa mùa xuân, cây cối, vạn vật nhờ thế sinh sôi nảy nở. Mưa xuân còn mang nhiều ý nghĩa trong quan niệm văn hóa Bắc Bộ.
Theo ông Ngô Hương Giang - nhà nghiên cứu văn hóa: "Mưa xuân không chỉ đơn thuần là câu chuyện tự nhiên mà nó là cả câu chuyện về văn hóa. Mưa xuân như là cái duyên của trời đất cộng với khao khát của lòng người tạo ra một sự hài hòa, hài hòa cả về mong muốn và hi vọng. Người phương Đông đặc biệt coi trọng khí trời ẩm ướt, nó chính là nguồn gốc của sự nuôi dưỡng vạn vật".
Có thể nhiều người sẽ thấy chút phiền toái với những cơn mưa ẩm nhưng một chút mưa nhè nhẹ chẳng đủ ướt áo cũng hàm chứa sự lãng mạn đặc trưng của mùa xuân khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hứa hẹn mang lại một mùa xuân mới thêm tươi vui, đầy sức sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!