Hùng bận “tối mắt tối mũi” vừa học vừa làm phục vụ, vừa chạy ship để có cảm giác “bằng” với mọi người xung quanh.
"Mình chẳng bằng ai…"
Việc tự so sánh hoặc bị so sánh bản thân với người khác đã làm cho nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý từ đó dẫn tới chán nản, tuyệt vọng vì luôn nghĩ "mình chẳng giỏi gì", "mình chẳng bằng ai"… Điều đáng nói, câu chuyện này xuất hiện ở nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau xuyên suốt từ khi mới "lọt lòng" đến khi đã "nhắm mắt xuôi tay"…
Bạn Hồ Hữu Hùng (19 tuổi, sinh viên, Hà Nội) chia sẻ: "Mình luôn cảm thấy áp lực bởi xung quanh mình nhiều người giỏi quá. Không ai so sánh mình với họ đâu nhưng bản thân mình tự cảm thấy mình chẳng bằng ai cả…".
Hùng cho biết, mọi người xung quanh đi làm cùng lúc 4, 5 công việc nhưng vẫn có thể cân bằng giữa học và làm. Hùng chỉ tập trung học nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong muốn nên luôn cảm thấy thất vọng về bản thân.
Từ những sự so sánh đó, Hùng cảm thấy chán nản, tuyệt vọng vì đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không bằng "con nhà người ta". Cậu thanh niên 19 tuổi cố gắng làm thật nhiều công việc cùng lúc để vừa phụ giúp bố mẹ, vừa đỡ rảnh và hơn hết vừa có cảm giác "bằng bạn bằng bè". Nhưng Hùng sớm kiệt sức vì không thể làm quá nhiều việc cùng lúc. Do đó, kết quả học tập đi xuống, hiệu quả công việc không như ý khiến Hùng ngày càng mệt mỏi hơn.
Giống với Hùng, Nguyễn Thị Châu Giang (20, tuổi) ngày càng cảm thấy mình thật kém cỏi so với bạn bè cùng trang lứa. Giang nói: "Mình gặp những video như: 20 tuổi mình đã xây nhà cho bố mẹ như thế nào, mình đã làm gì để có thu nhập 8 con số ở tuổi 19. Mình áp lực quá nên chặn luôn". Giang cảm thấy rất áp lực vì khi mà mình còn đang "tuổi ăn tuổi học" mà "con nhà người ta" đã xây được nhà cho bố mẹ, lương tháng chục triệu…
Giang không ngừng so sánh bản thân với những người bạn xung quanh, điều này khiến cho Giang luôn rơi vào trạng thái suy tư, nghĩ rằng "bản thân mình chẳng bằng ai", "mình thật vô dụng"… Giang tâm sự: "Những video nội dung như thế thì cũng chỉ là chia sẻ kinh nghiệm của người ta thôi, mình vừa ngưỡng mộ vừa thấy bản thân thật kém cỏi…".
Giang tự trấn an bản thân rằng "có áp lực thì mới có kim cương". Tuy nhiên, điều này cũng không mấy hiệu quả bởi suy nghĩ "Mình chẳng bằng ai" đã ăn sâu trong tâm thức của Giang. Giang nói: "Từ nhỏ, bố mẹ mình đã hay so sánh mình với con nhà người ta. Rồi khi đi học, giáo viên lại hay tuyên dương, chỉ trích bạn này, bạn kia trước lớp". Điều này vô tình tạo nên những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai của cô gái đang ở "tuổi ăn tuổi lớn" này.
Áp lực bên trong và cả bên ngoài
Chuyên gia tâm lý lâm sàng Đặng Đức Anh cho biết: "Áp lực đồng trang lứa là ảnh hưởng do một nhóm đồng đẳng gây ra đối với các thành viên riêng lẻ của mình để phù hợp với hoặc tuân theo các chuẩn mực và kỳ vọng của nhóm. Áp lực của bạn bè có thể có giá trị xã hội hóa tích cực nhưng cũng có thể có những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần hoặc thể chất. Còn được gọi là áp lực nhóm ngang hàng…".
Dưới góc độ chủ quan, bản thân chúng ta luôn hướng tới việc phát triển tốt hơn, thường là hướng tới những giá trị tốt đẹp và trong quá trình nỗ lực đó, ta cần các mục tiêu để phấn đấu, cần các tiêu chí để ta so sánh và nhóm đồng đẳng sẽ là nhóm hợp lý để so sánh. Tuy nhiên, trong quá trình so sánh đó ta cũng có những lỗi nhận thức nhất định khiến áp lực đồng trang lứa trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố khách quan tác động từ bên ngoài khiến cá nhân dễ bị áp lực đồng trang lứa hơn. ThS Đức Anh nhận định: "Văn hóa là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến áp lực đồng trang lứa. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở các quốc gia phương Đông đề cao tinh thần tập thể, đội nhóm và những giá trị chung cộng đồng thì tập thể sẽ có tác động mạnh hơn đến cá nhân…".
Không chỉ vậy, mạng xã hội cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng khiến áp lực đồng trang lứa trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn với thế hệ trẻ. Không còn những bữa "cơm ngon canh ngọt" bởi nhiều người đang bị bố mẹ so sánh với một đứa trẻ nào đó cách vài ngàn cây số. Mỗi ngày chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội hàng trăm video về những người cùng thế hệ kiếm được cả ngàn đô một giờ, có nhiều thành tựu khác và nhiều người nể phục.
Khi bị những thành tựu sáng lóa thu hút, nhiều người quên rằng những người kia tính chất công việc, xuất thân của họ khác mình mà chỉ thấy mình không đủ giỏi, chưa đủ nỗ lực giống như họ. Áp lực đồng trang lứa có cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực, tuy nhiên, mọi người đa phần chịu nhiều áp lực tiêu cực hơn.
ThS Đức Anh cho biết, người bị chịu áp lực đồng trang lứa sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi khi tâm trí dành nhiều thời gian để so sánh với những thành tích của người khác trong khi ta chưa hoặc khó có khả năng làm được. Thậm chí, thất vọng nhiều về bản thân, cảm thấy kém cỏi, mặc cảm, tự ti và có nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần. So sánh với rất nhiều người đang có thành tựu ở nhiều lĩnh vực khác nhau có thể khiến ta mông lung, phân vân giữa các lựa chọn.
Ngoài ra, loại áp lực này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi khiến ta dễ cáu giận, dễ khó chịu với bản thân và mọi người xung quanh hơn. Nhiều người vì áp lực mà làm việc thâu đêm suốt sáng, mất ăn mất ngủ, sức khỏe giảm sút song nhiều khi mọi thứ càng tệ hơn và họ chán chường, rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội như để né tránh sự soi xét, đánh giá của mọi người
Biến áp lực thành động lực
Chia sẻ về cách thức để sống chung với áp lực, ThS Đức Anh cho biết, áp lực đồng trang lứa giống như áp lực thông thường, có thể có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Một áp lực vừa đủ sẽ giúp người chịu áp lực có thêm sự hăng hái, phấn chấn để phát triển bản thân thay vì nhấn chìm ta vào sự tuyệt vọng.
"Nếu bạn lỡ so sánh bản thân với một người có thành tích quá xa, hãy tự hỏi rằng nếu mình bắt chước họ, liệu mình có thể chịu đựng những cảm giác giống như họ, mình có các nguồn lực và khả năng nỗ lực giống như họ được không? Nếu không được thì ta hãy dừng ngay việc so sánh lại. Điều quan trọng là so sánh với bản thân mình của ngày hôm qua để biết chúng ta không hề dừng lại, mỗi ngày cố gắng thêm một chút để bản thân vẫn đang phát triển từng ngày…
Ngoài ra, mỗi khi bạn cảm thấy áp lực này bắt đầu xâm lấn, tâm trí bạn bắt đầu so sánh chênh lệch và suy nghĩ tiêu cực hơn. Bạn hãy đi dạo, vận động hoặc giải trí một chút. Hãy luôn nhắc nhở bản thân mình là "mình vẫn đang làm tốt hơn rất nhiều người, mình không hề dừng lại và mình chắc chắn sẽ thành công khi duy trì sự cố gắng này". Nếu ngày hôm đó bạn đã mệt, hãy tự nhủ là "Mình cần nghỉ ngơi để hồi phục, nghỉ ngơi và hồi phục tốt một buổi và những ngày sau đó, mình sẽ làm việc hiệu quả hơn".
Bên cạnh đó, hãy hạn chế những nguồn gia tăng áp lực cho bạn, ví dụ như hạn chế sử dụng internet, mạng xã hội hay nói chuyện với những người hay gây áp lực với bạn như bố mẹ và đề nghị họ giúp bạn thay vì nói ra những điều khiến bạn mệt mỏi hơn…", ThS Đức Anh chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!