Cơ sở dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương đang được gấp rút hoàn thiện. (Ảnh: Bộ Y tế)
Số ca mắc COVID-19 của Bình Dương lũy kế đến nay đã tiệm cận gần 100.000 ca nhiễm COVID-19 ở 9/9 huyện, thị, thành phố, hơn 53.000 bệnh nhân khỏi bệnh. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bình Dương đã lên kịch bản khi có 150.000 người mắc COVID-19.
Tăng cường nơi thu dung
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nếu số ca mắc COVID-19 lên đến 150.000 người, Bình Dương tiếp tục ưu tiên cao độ, huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
"Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm vaccine để tiêm đủ cho người dân ở khu vực "vùng đỏ" trên địa bàn và hỗ trợ thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời chi viện bổ sung nhân lực y tế cho tỉnh, nhất là lực lượng cho 100 Trạm y tế lưu động (mỗi trạm 01 bác sĩ, 02 điều dưỡng) để ứng cứu ngoại viện cho người dân…", ông Minh nói.
Với số người nhiễm COVID-19 lũy kế trên 150.000 ca, Bình Dương sẽ cần khoảng 100.000 giường điều trị thực tế.
Đại diện của Tổng Công ty Becamex IDC Bình Dương cho biết, hiện Becamex có 2 cơ sở điều trị là Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương và cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương ở phường Thới Hòa, TX.Bến Cát có tổng cộng gần 13.600 giường.
Theo chiến lược xét nghiệm diện rộng "bóc tách" F0 trong cộng đồng, Becamex nhanh chóng bổ sung giường nhiều nhất có thể với tổng số hơn 27.000 giường, chia thành 4 giai đoạn.
Để có nhân lực phục vụ tại 2 bệnh viện, công ty vận động người nhiễm COVID-19 khỏe, không triệu chứng phục vụ tại bệnh viện có trả thù lao với các công việc, như: Dọn vệ sinh, phát thức ăn, phát quần áo, phụ giúp chăm sóc người nhiễm COVID-19 nặng.
Điều trị ngay tại chỗ
Nhằm đôn đốc việc sớm đưa các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và có triệu chứng vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức tích cực BV Quốc tế Becamex Thuận An đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Bàu Bàng.
Cơ sở dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương này do doanh nghiệp trên địa bàn cho mượn nhà xưởng đang được triển khai xây dựng có quy mô gần 1.000 giường, có thể nâng cấp mở rộng lên thêm 500 giường.
Sau khi hoàn thành, cơ sở đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn huyện và hỗ trợ việc thu dung điều trị cho các địa phương "vùng đỏ đậm đặc" trên địa bàn Bình Dương.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẩn trương đôn đốc hoàn thiện những phần việc còn thiếu như đường vào của người bệnh, đường đi của nhân viên y tế, hệ thống oxy y tế cần được khẩn trương hoàn thiện.
"Chúng tôi sẽ điều bác sĩ nội trú từ Trường Đại học Y Hà Nội đã có mặt tại Bình Dương về hỗ trợ chuyên môn cho các đồng chí" – PGS Hiếu nói.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, công trình này là cấp bách phục vụ phòng chống dịch nên huyện Bàu Bàng cùng đơn vị thi công cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm phải hoàn thành vào ngày 30-8 tới, để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vào điều trị kịp thời.
"Thầy thuốc huyện Bàu Bàng và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương tiếp tục nỗ lực tập trung điều trị tốt bệnh nhân ở tầng 1, hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân chuyển biến nặng, nguy kịch", ông Lợi động viên.
Được biết, từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 dã chiến của huyện Bàu Bàng tiếp nhận điều trị trên 3.000 bệnh nhân, đã điều trị khỏi và xuất viện 2.700 bệnh nhân, hiện còn hơn 300 bệnh nhân đang điều trị.
Tỉnh Bình Dương cũng đã đưa vào hoạt động khu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2 và 2+ trong mô hình tháp điều trị 3 tầng, Bình Dương đang thực hiện theo đúng mô hình của Bộ Y tế tại huyện Phú Giáo.
Khu điều trị này có quy mô 100 giường bệnh, 80 giường dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa. 20 giường cho bệnh nhân nặng. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là bước đi chính xác và phù hợp với tình hình dịch hiện nay của tỉnh Bình Dương, từ đó nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong ở mức thấp.
Bình Dương đã gấp rút xây dựng bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2 theo đúng tinh thần điều trị ngay tại chỗ.
"Chữa bệnh COVID-19 ngay tại y tế cơ sở giúp xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ ngay tại tuyến dưới, góp phần vào mục tiêu kéo giảm tỷ lệ tử vong của Bình Dương", ông Hiếu khẳng định.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, cho rằng, các địa phương của tỉnh Bình Dương nên có sự phối hơp hỗ trợ công tác phân tầng điều trị, đặc biệt ở tầng 1. Ở những nơi đang thực hiện phong tỏa cần được cung cấp đầy đủ thông tin về hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhà; cung cấp đầy đủ thuốc cơ bản và thực phẩm thiết yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!