Kiểm soát ô nhiễm không khí: Xử lý khí thải xe là quan trọng hàng đầu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 09/03/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều đô thị lớn đang trong giai đoạn cao điểm ô nhiễm không khí.

Gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Tại TP Hà Nội, những ngày gần đây, chất lượng không khí liên tục có chiều hướng suy giảm trên diện rộng. nồng độ bụi mịn PM2.5 gấp gần 2 lần so với quy chuẩn. Mức độ bụi mịn cao duy trì liên tục trong nhiều ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế xã hội.

Nhà có con nhỏ, mỗi ngày chị Hương và nhiều người ở phường Thành Công, TP Hà Nội đều phải đi đón con vào giờ tan tầm.

Vào thời điểm này, thường mật độ xe cộ lưu thông trên đường rất đông, nên 2 mẹ con chị và mọi người thường xuyên phải hít thở trong bầu không khí đầy khói bụi.

Kiểm soát ô nhiễm không khí: Xử lý khí thải xe là quan trọng hàng đầu - Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày gần đây ở mức độ rất xấu. (Ảnh: TTXVN)

"Tình trạng bụi khá nhiều, đi đường nếu không có khẩu trang rất khó thở, khó chịu. Tôi cũng thường xuyên theo dõi và được biết Hà Nội khá ô nhiễm vào mùa thu đông, mùa chuyển giao, khi đi ra đường, cả gia đình sẽ đeo khẩu trang", chị Hà Thanh Hương, ngõ 12, Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.

Đường phố Hà Nội gần như thời điểm nào cũng chật cứng phương tiện tham gia giao thông. Nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, nhất là các giờ cao điểm vào buổi sáng và cuối giờ chiều.

Hiện có tới 26 điểm ùn tắc như: trục đường nối với đường vành đai 3, tuyến đi Giáp Bát, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển…

Anh Hoàng Anh (nhân viên giao hàng, Hà Nội) mỗi ngày phải di chuyển rất nhiều để giao hàng, nên anh buộc phải quen với tình trạng này.

"Một ngày trung bình tôi chạy 6 - 8 tiếng ngoài đường. Khi dừng đèn đỏ ngã 3, ngã tư, không khí cảm giác rất khó chịu", anh Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Không khí bị ô nhiễm không chỉ do khí thải từ xe cộ, mà trong giai đoạn này, Hà Nội thường xuyên có sương mù dày khiến khói bụi không thể khuếch tán nên lơ lửng ở lớp không khí ở gần mặt đất càng làm ô nhiễm không khí nhiều hơn.

Ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở TP Hồ Chí Minh. Theo số liệu từ hệ thống theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực IQAir, 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều nằm trong top 10 thành phố có mức ô nhiễm không khí cao trên thế giới.

Chỉ trong 3 tháng gần đây, tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 2 năm nay, nhiều đợt bụi mịn đã bao phủ bầu không khí ở nhiều nơi trong thành phố.

Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, bầu không khí tại TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng mờ ảo và màu trời trắng đục. Chỉ số ô nhiễm ngày 7/3 là 124, không tốt cho những người nhạy cảm và nồng độ PM2.5 cao gấp 9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới.

"Với các đô thị như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, ô nhiễm chủ yếu là từ hoạt động giao thông vận tải. Chúng ta cứ hình dung TP Hồ Chí Minh có khoảng 7 triệu xe gắn máy. Lượng xe gắn máy và lượng ô tô nhiều như vậy, cộng thêm đường sá hay bị ùn tắc dẫn tới xe chạy với vận tốc rất chậm hoặc là ùn ứ tại chỗ thì lượng phát thải tăng lên", PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, đánh giá.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cuối tháng 12/2023 có 4,5% số liệu của nồng độ bụi mịn PM10, PM2.5 không đạt quy chuẩn quốc gia. Nếu so sánh với giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới, nồng độ PM2.5 của thành phố có thời điểm trong năm cao hơn gần 15 lần.

Khó kiểm soát khí thải xe cơ giới

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, khí thải từ xe gắn máy chiếm khoảng 1/3 nguồn phát thải NO, chiếm 90% CO và hơn 1/3 nguồn phát thải bụi siêu mịn. Khí thải từ các xe cơ giới đang là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Đáng tiếc hiện nay, việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm khi thái xe cơ giới ở nước ta, trong đó có các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, còn gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động thí điểm đo kiểm khí thải tại 1 gara ô tô ở Hà Nội, kết quả kiểm tra các xe trong quá trình bảo dưỡng, tỷ lệ về khí thải không đạt tiêu chuẩn vẫn chiếm khoảng 40%.

"Chúng tôi tính trung bình 15/25 xe đạt, tỷ lệ 60%. Những xe không đạt là xe đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 3 - 4. Tiêu chuẩn chúng tôi đo là tiêu chuẩn Euro 5", anh Đỗ Lương Bằng, Phụ trách kỹ thuật Đại lý xe ô tô Ford Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.

Những xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải chủ yếu là xe có tuổi lưu hành cao, không có hệ thống xử lý khí thải tự động.

Toàn quốc hiện có khoảng 5,4 triệu xe ô tô, gần 60 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, chỉ đang áp dụng quy định niên hạn đối với các loại xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên tham gia giao thông. Các phương tiện này được kiểm tra về khí thải thông qua các kỳ đăng kiểm theo niên hạn.

Còn các phương tiện khác, nhất là xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, không được kiểm soát khí thải.

"Một khó nữa là duy trì tình trạng kiểm soát khí thải của xe. Duy trì sẽ thông qua việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Tình trạng đó duy trì tốt và lâu, tức là làm sao đảm bảo duy trì từ lúc mới đến sử dụng, làm sao tuổi thọ về mặt chất lượng khí thải kéo được dài. Đây là vấn đề quan trọng", ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC), Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhận định.

Giải pháp kiểm soát chất lượng không khí

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về không khí từ năm 2019, ô nhiễm tại Việt Nam luôn tăng trong vòng 20 năm qua. Ô nhiễm không khí khiến những người mắc bệnh tim, phổi, đột quỵ tăng lên.

Kiểm soát ô nhiễm không khí: Xử lý khí thải xe là quan trọng hàng đầu - Ảnh 2.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về không khí từ năm 2019, ô nhiễm tại Việt Nam luôn tăng trong vòng 20 năm qua. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ tính riêng Hà Nội, với khoảng 3,5 triệu dân khu vực nội thành, tổng chi phí khám chữa bệnh về hô hấp lên tới 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Để giải quyết vấn đề này, xử lý khí thải từ các xe cơ giới đang là quan trọng hàng đầu.

"Phải tăng cường giao thông công cộng, tăng cường giao thông xanh, cần có biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với xe máy; cần bắt buộc kiểm tra khí thải đối với xe máy trước hết đối với thành phố lớn, dán tem, đạt tiêu chuẩn mới cho lưu hành", TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nêu quan điểm.

Trong nỗ lực để ngăn chặn ô nhiễm không khí, Việt Nam đã và đang có những hành động tích cực. Luật Bảo vệ môi trường có các quy định về bảo vệ môi trường không khí, chất lượng không khí, quản lý nguồn phát thải...

Tuy nhiên, để có thể triển khai một cách hiệu quả các giải pháp kiểm soát chất lượng không khí, cùng với việc đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các xe cũ, lạc hậu tại các đô thị, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chính sách cụ thể hơn; nhất là thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Liên tiếp 3 ngày, Hà Nội đứng hàng đầu thế giới về ô nhiễm không khí Liên tiếp 3 ngày, Hà Nội đứng hàng đầu thế giới về ô nhiễm không khí

VTV.vn - Thủ đô Hà Nội trong 3 ngày gần đây, chỉ số AQI ở ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe, mức độ ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước