Nằm trong một con ngõ nhỏ tại đường Phú Viên, quận Long Biên (Hà Nội), ít ai ngờ rằng trong căn nhà xập xệ lại là cả một xưởng sản xuất giấm với công suất hơn 1.000 chai/ngày. Các loại chai nhựa được thu gom về cơ sở này được đưa thẳng sang vị trí chiết giấm sau khi được nắn bóp qua loa. Từ hai thùng nhựa 200 lít, thứ nước được người sản xuất gọi là giấm đực bơm thẳng vào các chai nhựa tái sử dụng. Ngoài hai thùng nhựa đựng loại nước gọi là giấm, cả cơ sở không hề có thóc gạo hay bất cứ dụng cụ nào để sản xuất giấm. Các công đoạn còn lại của quá trình sản xuất giấm như đóng nắp, dán nhãn đều được làm thủ công trong khu nhà xưởng tạm bợ.
Để sản xuất một thùng 200 lít giấm, thực chất, cơ sở này chỉ sử dụng 60 lít giấm gốc pha với 130 lít nước lã. Nhằm tạo nên độ chua, mùi thơm và màu sắc giống như giấm gạo, chủ cơ sở đã cho thêm 4 lít axit axetic công nghiệp và 10% hóa chất tạo màu, mùi. Thậm chí, chủ cơ sở còn cho cả loại axit đậm đặc, bốc khói ngay khi mở nắp can trong quá trình sản xuất giấm.
Sau khi pha trộn hỗn hợp theo thói quen thay vì sử dụng dụng cụ đo đếm, các chai giấm được đóng chai, dán nhãn theo đúng quy định. Những chai giấm thành phẩm tiếp tục được cho vào các vỏ thùng đựng nước khoáng và được chở đi bán tại các khu chợ ở Hà Nội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!