Ngày 8/5, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có thông tin chung về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.
Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5/2024 tại TP Đà Lạt, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; nhà đầu tư đang quan tâm đến các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và các cơ quan báo chí địa phương; đại diện đơn vị liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh.
Trong quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Mô hình tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh đến năm 2050, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, Khu vực nội thành gồm: TP Đà Lạt mở rộng (TP Đà Lạt hiện hữu, huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (gồm: Thị trấn Nam Ban, xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); huyện Đức Trọng; TP Bảo Lộc mở rộng (TP Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm gồm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân). Khu vực ngoại thành gồm 3 Thị xã: Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh; 3 huyện: Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai mới (huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai hiện hữu).
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng 3 lĩnh vực gồm: Ngành nông, lâm, thủy sản, ngành dich vụ, ngành công nghiệp - xây dựng với 5 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Đông - Tây (Cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.25), Cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.27); Quốc lộ 20 - Quốc lộ 27C, kết nối TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Lâm Đồng- Khánh Hòa; Hành lang kinh tế Đông - Tây (ĐT.725); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 28, kết nối Đắk Nông - Di Linh (Lâm Đồng) - Bình Thuận); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 27, kết nối Đắk Lắk - Lâm Đồng - Ninh Thuận và Quốc lộ 28B kết nới Lâm Đồng - Bình Thuận); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 55, kết nối Đắk Nông - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Bình Thuận và Quốc lộ 55B, Bình Phước - Lâm Đồng - Bình Thuận).
Bên cạnh đó, 227 dự án ưu tiên đầu tư, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).
Tại hội nghị, tỉnh Lâm Đồng sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp đối với 7 dự án, với tổng số tiền dự kiến đầu tư là: 17.231,79 tỷ đồng.
Một số dự án trọng tâm, trọng điểm sẽ được triển khai như: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyển bauxit và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và TP Bảo Lộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!