Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Đức Trọng kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực chân đồi có nguy cơ sạt trượt đất (trường hợp không chấp hành phải cưỡng chế).
Bên cạnh đó, huyện áp dụng các biện pháp không để người dân tự ý quay về khu vực nguy hiểm khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Chính quyền huyện Đức Trọng tăng cường quản lý hoạt động san gạt tạo mặt bằng xây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn. Yêu cầu người dân dừng ngay việc đào cắt góc mái đồi để làm nhà ở gây nguy cơ sạt lở.
Hiện đoạn chân đồi này như một bờ taluy đất dựng đứng với chiều cao khoảng 10m, có nhiều điểm đã bị trượt lở đất đá, cây cối, gây nguy hiểm cho hàng chục hộ dân có nhà sát với chân đồi.
Qua đó, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng san gạt đất trái phép ở chân mái dốc để tạo mặt bằng xây dựng nhà ở, gây nguy cơ xảy ra sạt lở.
Trước đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại khu vực đồi có diện tích 35ha ở khoảnh 5, Tiểu khu 277B do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý (thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).
Tại thời điểm kiểm tra, chân đồi bị san gạt, kết hợp với thời tiết mưa nhiều dẫn đến các vách sạt, xuất hiện cung trượt và các vết nứt trên mái dốc, gây nguy cơ sạt lở rất lớn trong mùa mưa lũ.
Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 50 hộ dân trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Trong đó, khoảng 20 - 30 hộ có nguy cơ cao nên các ngành chức năng đã tiến hành ký cam kết di dời khi mưa lớn.
Ngày 9/10, sau những trận mưa lớn, khu vực trên đã hình thành vệt sạt trượt vòng cung kéo dài khoảng 100m.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!