Làm rõ hơn nữa quy định về Luật giao dịch điện tử, tăng niềm tin từ người sử dụng

Nguyễn Minh – Bích Liên-Thứ năm, ngày 02/07/2020 16:18 GMT+7

VTV.vn - Tính pháp lý và các trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, việc áp dụng dấu thời gian đối với các chứng từ điện tử là những thông tin mà người sử dụng đang quan tâm.

Hiện nay, hoạt động chính phủ điện tử, thành phố thông minh cũng như công cuộc chuyển đổi số đã và đang phát triển mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến cũng phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhiều dịch vụ công mức độ 4 đã được triển khai thực tế đòi hỏi các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước cần phải rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế phát triển.

Làm rõ hơn nữa quy định về Luật giao dịch điện tử, tăng niềm tin từ người sử dụng - Ảnh 1.

Sáng 2/7, Hội thảo chuyên đề tổng kết Luật giao dịch điện tử đã thu hút nhiều ý kiến tham luận từ các đại biểu tham dự.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung đang rất được quan tâm như: (1) Tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử, các vấn đề về an toàn thông tin, trung gian trong giao dịch điện tử; (2) Vấn đề giá trị pháp lý, chứng cứ, chứng từ, tài sản ảo trong giao dịch điện tử; (3) Các vấn đề giao dịch điện tử trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và tổ chức trung gian trong giao dịch điện tử; (4) Vấn đề lưu trữ điện tử; (5) Giao dịch điện tử trong cơ quan quản lý nhà nước; (6) Hoạt động của tổ chức trung gian lĩnh vực tài chính; (7) Rủi ro từ các phương thức xác thực điện tử không an toàn - Thực trạng tại Việt Nam; (8) Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và tình hình sử dụng và phát hành hóa đơn điện tử, triển khai hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại điện tử.

Làm rõ hơn nữa quy định về Luật giao dịch điện tử, tăng niềm tin từ người sử dụng - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ TT&TT phát biểu khai mạc

Sau quá trình công tác thực tế, nhận thấy một số bất cập trong Luật Giao dịch điện tử, Hội thảo tổ chức nhằm lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng kết luật Giao dịch điện tử; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Làm rõ hơn nữa quy định về Luật giao dịch điện tử, tăng niềm tin từ người sử dụng - Ảnh 3.

Theo nhiều đại biểu, để người sử dụng có niềm tin trên môi trường mạng, cần được làm rõ quy định về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử. Tính pháp lý và các trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, việc áp dụng dấu thời gian đối với các chứng từ điện tử là những thông tin mà người sử dụng các giao dịch điện tử quan tâm.

Theo Luật Giao dịch điện tử hiện hành, những quy định giao kết và hợp đồng điện tử, giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng điện tử là chưa đầy đủ. Ngoài ra, những bất cập liên quan đến việc phân định giữa các khái niệm chữ ký điện tử, chữ ký số gây rắc rối, nhầm lẫn cho người sử dụng. Việc xác thực chéo của chữ ký số công cộng Việt Nam với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến, quy định cấp độ của chữ ký điện tử tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các vấn đề về liên thông còn hạn chế.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận về vấn đề "Tình hình triển khai Luật giao dịch điện tử, các vấn đề an toàn thông tin, trung gian trong giao dịch điện tử" trong đó có đề cập đến một số bất cập trong quy định phạm vi điều chỉnh của Luật. Ông Đường cho hay: "Luật có loại trừ một số lĩnh vực dẫn đến rủi ro trong giao dịch điện tử. Quy định về thông điệp dữ liệu chưa cụ thể, không có quy định về chứng từ; hồ sơ điện tử quy định về chữ kí chưa rõ ràng. Thiếu quy định về danh tính số định danh xác thực".

Làm rõ hơn nữa quy định về Luật giao dịch điện tử, tăng niềm tin từ người sử dụng - Ảnh 4.

Ông Lê Văn Năng – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ điện tử Quốc gia, Cục Văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ tham luận về vấn đề: "Vấn đề lưu trữ điện từ: hiện trạng và giải pháp sửa đổi Luật GDĐT", nhấn mạnh: "Để quản lý công tác thu thập, cơ quan lưu trữ cần quy định quy trình giao nộp, thống nhất phương tiện, cấu trúc và định dạng truyền, trong đó cần lưu ý thu thập đầy đủ dữ liệu cũng như dữ liệu đặc tả; kiểm tra virus; sao lưu dự phòng; tiêu hủy hết tài liệu giá trị".

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị cần sửa đổi về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và các giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính. Những sửa đổi của Luật Giao dịch điện tử được nhận định là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg và định hướng phát triển Chính phủ số, kinh tế số và Cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước