Bắc Hưng Hải cho đến nay vẫn là công trình thuỷ lợi lớn nhất miền Bắc, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho hơn 110 nghìn ha đất canh tác, đồng thời giải quyết vấn đề hạn hán, lũ lụt của 4 địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương, với khoảng 3 triệu người trong vùng ảnh hưởng. Xây dựng từ năm 1959, công trình đã có hơn nửa thế kỷ tồn tại với sứ mệnh lịch sử lớn lao. Nhưng nhiều năm nay, hệ thống kênh này phải oằn mình trước ô nhiễm do hoạt động xả thải thiếu kiểm soát của con người.
Trong bức tranh khá u ám nặng nề hiện tại của Bắc Hưng Hải, không phải không có những đốm sáng đã được vẽ nên. Đã có một số doanh nghiệp, địa phương bắt tay hồi sinh những dòng sông chết nhưng đó mới chỉ là những đốm sáng nhỏ nhoi, giống như lời mở màn cho một câu chuyện dài phía trước. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan xử lý ngay các đối tượng, các cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm Bắc Hưng Hải. Nhưng về lâu dài, cần hệ thống giải pháp tổng thể bên cạnh các đợt ra quân, truy quét, xử lý tội phạm.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 28/6 sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!