Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 11.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt hàng triệu người dân ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Từ đó, góp phần quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và cải thiện môi trường sinh thái. Tuy nhiên, tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, hủy hoại môi trường dòng sông và đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành viên Chính phủ tại Phiên họp thứ 9 của ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV diễn ra vào chiều 16/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời, nêu giải pháp để kiểm soát vấn đề xả thải gây ô nhiễm đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Để ghi nhận thực tế hoạt động xả thải ra hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải đang diễn ra như thế nào, những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhóm phóng viên VTV đã có hành trình đi đọc dòng sông và ghi lại những hình ảnh cận cảnh.
Dòng nước chỉ có một màu đen đặc
Vốn tiếp nhận nước thải từ hàng loạt khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, nên nhiều năm qua, nước sông Cầu Bây lúc nào cũng một màu đen đặc. Và hàng ngày, cứ chảy thẳng vào vị trí đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào.
Cách cống Xuân Thụy không xa là một cống xả khác nằm ở vị trí giáp ranh giữa địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm và cụm công nghiệp xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tổ hợp các cơ sở dệt nhuộm và nhà máy trên địa bàn hai xã giáp ranh cùng đua nhau biến dòng kênh này thành dòng nước chết vì hàng ngày phải hứng chịu đủ thứ hóa chất độc hại.
Xuôi tiếp về phía hạ nguồn, trong hành trình đi dọc dòng sông Bắc Hưng Hải, phóng viên VTV tiếp tục chứng kiến vô số những cống xả thải khác.
Trên địa bàn huyện Mỹ Hào, kênh Trần Thành Ngọ - tuyến kênh chảy trực tiếp ra sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu Công nghiệp Phố Nối B được xác định chính là một trong những thủ phạm khiến dòng kênh bị hủy hoại. Vì chỉ từ tháng 2/2021 đến nay, có doanh nghiệp đã 3 lần bị phát hiện hành vi xả thải vượt quy chuẩn cho phép.
Còn tại địa bàn TP Hải Dương, trạm bơm Bình Lâu ngoài chức năng điều tiết, bơm thoát nước cho thành phố, còn có một chức năng khác: khi đây chính là cỗ máy xả nước thải bẩn ra sông, theo đúng nghĩa đen của nó. Vì hàng ngày nước thải sinh hoạt của hơn 100.000 người dân trong thành phố và nước thải từ các bệnh viện đều được tống thẳng ra sông qua trạm bơm này.
Theo kết quả quan trắc của Viện nước Tưới tiêu và môi trường trong năm 2021, lấy mẫu tại 10 điểm trên kênh trục Bắc Hưng Hải, tất cả đều bị ô nhiễm. Trong đó nhiều vị trí cống xả ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo thống kê của các Công ty khai thác công trình thủy lợi trong hệ thống Bắc Hưng Hải, hiện có khoảng 1.694 điểm xả thải trực tiếp vào kênh địa phương rồi chảy vào kênh chính. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 14,4 % điểm xả thải được cấp phép. Nghĩa là gần 86% nguồn xả thải chui. Trong đó, ngoài một số khu công nghiệp, doanh nghiệp, chủ yếu là nước thải sinh hoạt, cơ sở chăn nuôi, làng nghề chưa qua xử lý.
Để ngăn chặn hoạt động xả thải bẩn ra hệ thống Bắc Hưng Hải, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đồng loạt phối hợp với cơ quan công an thuộc 4 địa phương, thực hiện nhiều cuộc truy quét, kiểm tra xử lý hàng loạt trường hợp xả thải vi phạm.
Chỉ trong khoảng thời gian 13 tháng vừa qua, Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng dệt may phố Nối - đơn vị vận hành trạm xử lý nước thải khu công nghiệp phố Nối B đã 3 lần bị Cục Cảnh sát Môi trường và Phòng Cảnh sát Môi trường, công an tỉnh Hưng Yên xử phạt, cùng vì hành vi xả thải bẩn ra môi trường. Với tổng số tiền phạt hơn 4,8 tỷ đồng.
Chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng gần đây, riêng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra 100 vụ việc xả thải vi phạm, hiện đã xử phạt 61 trường hợp liên quan. Còn theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, trong 4 tháng vừa qua, đã phối hợp với công an 4 địa phương phát hiện 293 vụ vi phạm liên quan hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó đã xử lý 158 vụ với tổng mức phạt hơn 6,9 tỷ đồng. Cứ đụng đâu là sai đấy.
Qua các cuộc kiểm tra cho thấy, một thực tế đang tồn tại hiện nay, vì tốn kém khoản tiền lớn để đầu tư hệ thống và chi phí xử lý nước thải nên không ít trường hợp cố tình vi phạm, chấp nhận nộp phạt để tồn tại. Và không ngần ngại tái diễn hành vi vi phạm. Để răn đe các trường hợp này, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an khẳng định, sẽ xử lý ở mức độ nghiêm khắc nhất, nếu phát hiện hành vi tái diễn xả thải bẩn ra sông.
Qua các cuộc kiểm tra, xử lý cùng với các hoạt động ra quân dọn rác trên sông đã bước đầu giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, việc xử phạt cơ sở xả thải chỉ là "phần ngọn". Để có thể giải quyết triệt để, thì cần nhiều giải pháp tổng thể khác nhau.
Câu chuyện về một dòng sông được hồi sinh trong tương lai không xa, có lẽ đang là điều mà hàng ngàn người dân sống ven 2 bờ sông Bắc Hưng Hải mong chờ nhất lúc này. Vì cũng chính họ là người đã và đang thấu hiểu nhất hậu quả như thế nào khi nước sông ô nhiễm, môi trường bị hủy hoại khi phải hứng chịu rất nhiều thiệt thòi trong suốt những năm qua.
Nỗi lo cây trồng nhiễm bẩn từ nguồn nước là hoàn toàn có cơ sở. Vì nếu chỉ nhìn dòng nước sông có vẻ trong xanh trong những ngày hiếm hoi thì chưa mường tượng ra được chuyện gì đang diễn ra đằng sau những ngọn rau muống xanh non mọc ngay sát bờ sông này.
Với nguồn nước dồi dào, ngoài chức năng phục vụ việc tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, sông Bắc Hưng Hải từng là nguồn sống của hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè ven bờ. Vậy nhưng từ gần chục năm trở lại đây, trên khúc sông này chẳng còn bè cá nào cả. Nước sông ô nhiễm không chỉ lấy đi nguồn sinh kế của người dân mà giờ ở nhiều nơi, trên địa bàn 2 tỉnh Hưng yên, Hải Dương, các căn nhà ở gần sông quanh năm còn phải cửa đóng then cài để tránh ô nhiễm, dù người dân đang ở trong chính căn nhà của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!