Làm thế nào để cân bằng giữa bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 22/07/2022 18:52 GMT+7

VTV.vn - Bảo tồn di sản và bảo đảm cuộc sống người dân sống trong vùng di sản đang là bài toán khó với nhiều địa phương.

"Xin trả lại Di tích Quốc gia" là câu chuyện hy hữu đã từng xảy ra năm 2013 tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, khi 78 hộ dân đồng loạt ký lá đơn gửi các cơ quan chức năng.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều hộ gia đình với nhiều thế hệ phải sống trong điều kiện chật chội bởi diện tích nhỏ, hẹp của những ngôi nhà cổ mà không được phép xây dựng. Bởi nếu xây dựng sẽ phá vỡ không gian kiến trúc của ngôi nhà.

Gần 10 năm trôi qua, những mong muốn và nguyện vọng của người dân vẫn còn nhưng Đường Lâm dường như vẫn loay hoay, chưa tìm được lời giải đáp.

Bảo tồn làng cổ Đường Lâm

Bức tường trong căn nhà cổ của ông Hà Hữu Thể tại làng cổ Đường Lâm đã được gia cố kịp thời khi góc nghiêng tới gần 25 cm. Theo ông Thể, căn nhà có tuổi đời 377 năm vẫn được bảo tồn nguyên trạng nhưng chính điều này lại là vấn đề làm ông băn khoăn.

"Gia đình tôi lúc này đang sống là 3 thế hệ, 8 khẩu nhưng chỉ có 2 phòng ngủ nếu sửa thành lô, phòng sẽ phá vỡ hết không gian kiến trúc", ông Thể cho hay.

Đây là khó khăn của hầu hết các gia đình đang sống trong các ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. Làng cổ Đường lâm được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2006. Theo Luật Di sản Văn hóa, vùng lõi của di tích phải bảo tồn nguyên vẹn. Nhưng bảo tồn thế nào khi đây là Di tích sống nơi hơn 1.500 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu ở Đường Lâm vẫn đang sinh sống. Kế hoạch giãn dân được Hà Nội đưa ra từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc.

Làm thế nào để cân bằng giữa bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân? - Ảnh 1.

Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), thành phố xanh Chefchaouen (Maroc) là 2 thành phố cổ có nhiều điểm tương đồng với Đường Lâm nhưng theo PGS.TS Lê Văn Huy, họ lại đang làm rất tốt.

PGS.TS Lê Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: "Phải có một tư duy rất riêng cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho một cộng đồng làng như thế nào? Chúng ta đang chỉ nhìn thấy nó là di tích, chúng ta đang thiếu chính sách. Nhà nước đang thiếu chính sách đồng bộ cho toàn bộ di tích đó"

Để bảo tồn làng cổ, hiện Đường Lâm đang tập trung vào phát triển du lịch nhưng các chuyên gia đánh giá, du lịch Đường Lâm chưa thực sự phát huy được thế mạnh bởi để phát triển được du lịch, thì trước hết phải bảo tồn được giá trị của di tích.

Không chỉ tại Đường Lâm, trên cả nước hiện vẫn có rất nhiều khu di tích, danh thắng, khu vực cần bảo tồn có người dân sinh sống, tiêu biểu như khu vực Kinh thành Huế. Để triển khai việc tu bổ, tôn tạo, khôi phục khu vực này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức di dời người dân đang sinh sống tại đây.

Sau 3 năm triển khai, đã có hơn 3.400 hộ dân được chuyển đi với kinh phí là hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài việc phục vụ tôn tạo di tích, đây được xem là cuộc di dân lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế. Kinh nghiệm được địa phương này rút ra đó là muốn di dân phải thực hiện tốt chính sách an sinh cho người dân tại nơi ở mới

Kinh nghiệm từ dự án di dời người dân ra khỏi Kinh thành Huế

Trong vòng 3 năm (2019-2021), giai đoạn 1 của dự án di dời cư dân khu vực Kinh thành Huế, hơn 3.460 hộ dân đã được chuyển đến các khu tái định cư đã được đầu tư kết cấu hạ tầng bền vững.

Đây được xem là cuộc di dân lịch sử khi đã giải được bài toán về tái định cư ổn định cho người dân sinh sống tạm bợ, nhếch nhác ở Thượng thành và vùng phụ cận Kinh thành Huế tồn tại qua bao thế hệ. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng hành hỗ trợ của cộng đồng và tình thần đồng thuận của người dân đã mang lại kết quả trên.

Ngoài các hộ dân đã được tái định cư, hiện tại, ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, hộ Thành Hào và tuyến Phòng lộ vẫn còn gần 1.000 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cần được triển khai trong năm nay.

Làm thế nào để cân bằng giữa bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân? - Ảnh 2.

Những khu tái định cư được đầu tư kết cấu hạ tầng bền vững. (Ảnh: TTXVN)

Phát huy kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra mục tiêu hoàn thành việc di dời các hộ dân còn lại ở khu vực Kinh thành Huế vào cuối năm 2022.

Thực tế đã chứng minh rằng tạo ra di sản là dân, giữ gìn di sản là dân vì thể bảo tồn di sản luôn song hành cùng việc đảm bảo cuộc sống và tạo sinh kế người dân sống quanh di sản. Di sản văn hóa ngày càng được bồi đắp giá trị không chỉ là sự thể hiện đạo nghĩa đối với các bậc tiền nhân mà còn là để lại cho tương lai một tài sản vô giá, là "của để dành" cho con cháu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước