Kể từ khi bão lũ, ngập lụt xảy ra, cho đến bây giờ là thời điểm khắc phục lũ lụt, liên tục nhiều đoàn vận chuyển hàng cứu trợ từ khắp nơi trên cả nước đến với các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tất cả đều cố gắng để kịp thời hỗ trợ, đưa lương thực, nhu yếu phẩm tới tay người dân. Từ đó cũng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để cứu trợ hiệu quả, đúng nơi, đúng người, đúng những thứ người dân cần?
Cứu trợ cần đúng cách
Nhà ông Cương nằm ở cuối thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam - cách sông Đáy chỉ 20 mét. Là một trong những hộ ngập sâu nhất ở thôn này, từ ngày 9/9, gia đình ông gần như bị cô lập. Mặc dù có nhiều đoàn đến thôn để cứu trợ cho dân nhưng do không hiểu về địa bàn, không nắm hết thông tin nên đa số các đoàn không vào đến những hộ gia đình bị ngập sâu như nhà ông Cương.
Nhà ông Cương là một trong những hộ ngập sâu nhất ở thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Hiện có hơn 200 hộ của thôn Bồng Lạng sống dọc bờ sông trong hoàn cảnh ngập sâu tương tự nhà ông Cương. Từ mấy ngày nay, nhiều đoàn cứu trợ tự phát đến thôn để tiếp tế nhưng đa phần không đến được các gia đình ngập sâu trong này. Điều này đặt ra vấn đề cần bàn về cách thức cứu trợ.
Phố Phúc Tân, phường ngoài đê thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vừa trải qua những ngày ngập lụt. Tuy nhiên, mực nước ngập không quá cao và tình hình không nghiêm trọng. Cũng vì vậy, câu chuyện một nhóm ca sĩ đi thuyền trao quà cho người dân tại đây đã gây nhiều tranh cãi. Cộng đồng mạng cho rằng, quà chưa được trao cho đúng đối tượng cần.
Lãnh đạo phường Phúc Tân cho biết, những đối tượng khó khăn nhất, nhà ngập sâu nhất đều đã được chính quyền di tản để đảm bảo an toàn. Đoàn cứu trợ trên đã không liên hệ với chính quyền khi đi cứu trợ ở đây.
Tham gia cứu trợ vùng bão lũ là hành động đẹp. Quà dù ít dù nhiều cũng đều đáng quý nhưng cứu trợ như thế nào để đảm bảo cung cấp hàng cứu trợ đến đúng đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh, không xảy ra tình trạng người thì được quá nhiều, người thì lại không có cần có sự nghiên cứu tình hình thực tế và có sự điều phối của chính quyền địa phương.
Trong các địa phương nhận được hỗ trợ từ sớm có Cao Bằng - tỉnh có tới 5 huyện ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất và mưa lũ, với hơn 1.000 hộ dân. Ghi nhận thực tế tại Cao Bằng, phóng viên Huy Hoàng cho biết ngay thời điểm này cần thiết nhất là đồ ăn, nước uống và đồ dùng thiết yếu nên những thực phẩm như mỳ tôm, thịt hộp, sữa, một số loại bánh kẹo, lương khô và các nhu yếu phẩm như quần áo, chăn màn và cả sách vở, đồ dùng học tập sẽ được cứu trợ ngay để đảm sinh hoạt trước mắt.
Về lâu dài, do mưa lũ, sạt lở nên hoa màu, vật nuôi cùng nhà cửa của người dân cũng không còn nên ngoài gạo thì sinh kế lâu dài cho người dân chính là có nhà để ở, có ruộng vườn, nương rẫy. Vì vậy sẽ là cần hỗ trợ để di dời người dân đến nơi an toàn hơn để có thể dựng nhà và sinh sống phù hợp với thói quen và tập tục của người dân.
Về cách thức phân bổ thì tại đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng là nơi tập kết tất cả hàng hóa cứu trợ từ các nơi chuyển về sau đó huy động các loại xe tải để vận chuyển về các huyện rồi thông qua mặt trận các cấp sẽ phân bổ đến các xóm và từng hộ dân đang bị cô lập và ảnh hưởng.
Với nơi ngập nước như huyện Hà Quảng có thể dùng thuyền, hoặc đi men theo bờ để chuyển hàng, với nơi bị sạt lở như huyện Nguyên Bình thì là các loại xe tải và thậm chí cả xe máy. Còn để dựng nhà, tùy thuộc vào từng trường hợp, phương án hỗ trợ tiền trực tiếp cũng có, có thể là đặt mua các nguyên vật liệu, các tấm vách rồi chuyển đến cho người dân để cùng dựng nhà. Để công tác cứu trợ hiệu quả, đúng người đúng địa điểm, không thừa, không thiếu thì phụ thuộc rất lớn vào sự sát sao cũng như khả năng của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã với người dân.
Tránh lãng phí trong hoạt động cứu trợ
Đi cứu trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 nhưng lại phải dành thời gian để "cứu" đồ cứu trợ, nhất là thực phẩm. Đã có không ít loại thực phẩm cứu trợ bị giảm chất lượng hay hư hỏng, đành phải bỏ đi rất lãng phí.
"Trời nắng nóng, trong này có bánh chưng hư hết rồi giờ phải tháo bánh chưng ra, phân loại ra. Tấm lòng của mọi người mà nhiều lúc những cái này bỏ thì nó phí lắm".
Không chỉ có bánh chưng, sự lãng phí vì không thể sử dụng của hàng loạt lương thực, thực phẩm cũng đã được điểm danh. Theo dự án thực phẩm khẩn cấp, lựa chọn thực phẩm cứu trợ khẩn cấp ngoài chủng loại còn phải chú ý đến cách thức chế biến cũng như các nhu cầu của từng giai đoạn cứu trợ.
Như vậy, việc cứu trợ, kể cả lương thực thực phẩm sẽ còn kéo dài chứ không chỉ ngày 1, ngày 2. Vì vậy, người dân muốn chung tay đóng góp sẽ còn rất nhiều thời gian và cơ hội để tham gia. Mặt khác, khi tập trung nguồn lực một cách có mục tiêu ví dụ như các túi cứu trợ, túi an sinh như kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh thì những đóng góp, chia sẻ của cộng đồng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Đây cũng là thông điệp mà MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh gửi đến người dân thành phố.
Người dân đến điểm nhận hỗ trợ mỳ tôm, nước uống, bánh mỳ, (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tri ân những tấm lòng mong muốn thể hiện tình dân tộc nghĩa đồng bào của tất cả người dân muốn thể hiện sự thiện nguyện của mình. Nhưng sự thiện nguyện đó sẽ được gia tăng hơn nhiều giá trị nữa nếu bám sát vào cơ quan điều phối và nhu cầu thực sự của địa phương và nhu cầu thật sự cần trợ giúp của nhân dân.
Bên cạnh việc ủng hộ nhu yếu phẩm, vật dụng cho bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai thì khi thiên tai qua đi, trong giai đoạn tái thiết, một điều rất cần nữa đó chính là yếu tố con người. Tại các địa phương khôi phục sau lũ rất cần lực lượng để góp công sức, giúp dọn dẹp vệ sinh bùn đất, rác thải. Vì thế việc cấp thiết mà những đoàn thiện nguyện có thể góp sức vào thời điểm này là ủng hộ thêm nhân lực với địa phương trong công tác dọn dẹp vệ sinh. Sức người, sức của phải song hành với nhau thì việc tái thiết mới nhanh được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!