Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Quý II vừa qua là thời điểm có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, có sự khác biệt ở đây. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp Quý II của nhóm lao động không hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp tăng so với quý trước thì ở nhóm có trình độ từ trung cấp trở lên lại giảm.
Tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, hơn 8h sáng, những hàng ghế tại khu vực tuyển dụng đã gần kín người. Không ít ánh mắt lặng lẽ chờ đợi đến lượt phỏng vấn và hi vọng về cơ hội có một công việc mới. Tuy nhiên, sự chờ đợi không chỉ nằm ở phía những người lao động mà còn ở cả những doanh nghiệp tuyển dụng.
Trình độ chuyên môn là rào cản khiến người lao động khó tiếp cận công việc thay thế đang là một thực tế của nhiều lao động mất việc mùa dịch.
Anh Đại, một lao động đến từ Thanh Hóa, nghỉ việc từ tháng 2 đến nay cũng đã thử việc tại ba công ty khác nhưng đều chưa có việc cũng một phần bởi trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, vì thế, anh đành làm phụ hồ hay các công việc thời vụ để mưu sinh.
Cũng như anh Đại, lựa chọn các công việc thời vụ đang là cách để nhiều lao động mất việc tạm mưu sinh qua ngày. Vậy nên, trái ngược với sự vắng vẻ của bàn tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, bàn tuyển dụng lao động dịch vụ tạm thời lại dễ dàng có được số chỉ tiêu mình mong muốn.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, từ đầu năm đến tháng 7/2020, 50.000 lao động đã được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, số lượng lao động kết nối việc làm thành công chỉ khoảng 7.000 người, tương đương gần 15%.
Tuy nhiên, để con số gần 15% người lao động này thực sự ổn định công việc, đảm bảo cuộc sống, có lẽ, ngoài gánh nặng kinh tế, người lao động sẽ phải nghĩ đến việc cải thiện trình độ chuyên môn cho những biến động tiếp theo của thị trường lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!