''Sự thật là bây giờ trong đầu lúc nào chỉ nghĩ đến tiền thôi. Đau đầu vì làm không đủ mức chi tiêu trong gia đình'', chị Trần Hoa Quế (Vụ Bản, Nam Định) đã chẳng ngần ngại trả lời khi được hỏi nghĩ gì khi Tết sắp đến. Bởi Tết đến gần nhưng chỉ vài hôm nữa lại là ca mổ thứ tư của đứa con 2 tuổi bị đa dị tật bẩm sinh.
Khoản lương công nhân vốn đã chẳng đủ cho gia đình 7 người với mẹ già, con bệnh nay vì dịch càng thêm eo hẹp. Áp lực người đàn ông trong gia đình khiến anh Dũng (chồng chị Quế) nén tiếng thở dài. Nhưng cái lo xa của người phụ nữ lại chẳng giúp chị Quế kìm được nước mắt bởi Tết gần nhưng chỉ thấy nỗi lo…
''Chi tiêu con cái gõ đầu mẹ. Xin bố thì lại sang mẹ. Mẹ không có thì mẹ đi vay thôi. Nhiều lúc cũng thương hại nhưng biết làm sao được'', chị Quế rưng rưng nói.
Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh... cũng là thực tế cuộc sống của anh Trần Xuân Bắc. Làm công nhân được 2 năm, chưa kịp tích lũy, người đàn ông trông già hơn so với cái tuổi 30 của mình ngại ngần không muốn nói nhiều về chuyện Tết này có gì bởi ước muốn sửa được ngôi nhà đã rơi hết vữa cho gia đình đón Tết vẫn cứ dở dang.
Ế vé tàu Tết về quê
Khác với thường lệ, không khí bán vé tàu, vé máy bay về quê ăn Tết năm nay vô cùng ảm đạm. Năm nay, các đơn vị vận tải như hàng không, đường sắt, đường bộ đều đã mở bán vé sớm với nhiều ưu đãi. Thế nhưng đến nay lượng vé bán được vẫn rất ít so với mọi năm.
Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành dự kiến cung ứng khoảng 210.000 chỗ cho cả trước và sau Tết. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đến nay, toàn ngành bán chưa được 30.000 vé.
Lý do có lẽ vì công việc giảm, lương cũng giảm, nhiều lao động chật vật với cuộc sống thành phố cũng đã thu xếp về quê từ sớm hẳn. Còn với nhiều người khác, Tết thật xa, gia đình thật sự xa, bởi năm nay họ xác định ở lại luôn không về.
Theo Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200.000 người lao động. Gần 40% trong số đó có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch khiến cho công việc cũng như cuộc sống của người lao động thêm vất vả. Tuy nhiên, mỗi người lao động vẫn đang nỗ lực hết sức để vượt khó và đón cái Tết ấm giữa đại dịch…
Xoay xở cho Tết
Tại khu nhà ở xã hội cho người lao động, trong căn phòng trọ nhỏ, chị Nguyễn Thị Thảo đang sắp xếp lại số hàng bán online - công việc chị bắt đầu làm từ nửa năm nay. Tết này, lương của chồng giảm, thưởng cũng chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái. Vậy nên, chị Thảo tranh thủ mọi lúc để bán hàng kiếm thêm thu nhập.
''Tăng ca nhiều cũng chỉ 6 - 8 triệu. Thu nhập kém đi. Bán hàng online từ đợt các bé nghỉ học, phải nghỉ ở công ty để trông các bé'', chị Thảo (ở Vụ Bản, Nam Định) cho biết.
Cách nhà chị Thảo vài căn hộ là nhà chị Đỗ Thị Vui. Gian hàng nhỏ bán cho công nhân trong khu của chị vắng bóng người mua bởi thu nhập của họ và của cả chồng chị đều eo hẹp hơn bởi đại dịch. Chị Vui tự làm thêm bánh, chế biến thêm những món ăn vặt với mức giá… công nhân vừa để cho người lao động, vừa thêm đồng nào hay đồng ấy. Chị Vui bảo phải lạc quan như cái tên của mình.
Chị Vui nói: ''Mong muốn lớn nhất là bán được hàng. Phải lên lịch cái gì hạn chế, cái gì không hạn chế…
Gia đình chị Vui và chị Thảo là số nhỏ của các gia đình công nhân đang sống và làm việc tại khu công nghiệp này. Theo những cách khác nhau, họ đều đang nỗ lực để có một cái Tết ấm cho gia đình trong đại dịch. Trong khi đó, theo đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng khiến việc chăm lo Tết người lao động trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!