Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm các sản phẩm tiêu dùng của người dân càng cao. Trong đó có các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Lợi nhuận kinh doanh đối với các mặt hàng này cũng được đánh giá là khá cao, đặc biệt với các loại hàng hóa làm đẹp. Vì vậy, nhiều đối tượng đã bất chấp hết để kinh doanh.
Mới đây, tại Hải Dương, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở này cũng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, đóng gói mỹ phẩm. Thế nhưng các sản phẩm ở đây lại được có tem nhãn sản xuất tại nhiều cơ sở nổi tiếng trong và ngoài nước.
Còn thực tế, công nghệ tại cơ sở là công nghệ sản xuất pha chế thủ công xô, chậu đựng các loại hóa chất. Cơ quan chức năng xác định, số hàng hóa mỹ phẩm này đều có dấu hiệu làm giả, làm nhái và hiện toàn bộ đã bị thu giữ để tiếp tục điều tra làm rõ.
Các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện
Thực tế tình trạng mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng bị làm giả, làm nhái cũng không có gì mới. Chúng ta cũng đã nói tới nhiều. Thế nhưng vấn đề này cũng không bao giờ cũ và vẫn tiếp tục phải nói tới, phải cảnh báo. Bởi từng ngày, từng giờ, những sản phẩm này vẫn đang có mặt trên thị trường và tác động trực tiếp đến kinh doanh của doanh nghiệp và sức khỏe của người tiêu dùng. Giờ đây các sản phẩm này không chỉ sử dụng ngoài da mà còn có cả các sản phẩm uống trực tiếp vào cơ thể.
Chỉ cần tra từ khóa "cải thiện săn chắc" trên công cụ tìm kiếm Google, 28 triệu kết quả sẽ có trong vòng 0,45 giây. Điều này cũng đủ cho thấy độ "hot" của từ khóa đi kèm các mặt hàng.
Mới đây, ngay tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện một xưởng sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng được xác định là hàng giả.
Bốn đối tượng đã bị bắt với hàng nghìn thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe giả. Các đối tượng khai nhận do dịch bệnh COVID-19, nhiều người có nhu cầu sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe vitamin C dạng sủi nên đã làm giả sản phẩm vitamin C của một đơn vị khác với giá chỉ là 15.000 đồng/sản phẩm.
Sau đó rao bán trên mạng xã hội và bán trực tiếp ngoài thị trường với giá 45.000 đồng/sản phẩm.
Nếu bán trót lọt số hàng giả ra thị trường, các đối tượng có thể thu lợi đến cả tỷ đồng.
Hầu hết những sản phẩm làm giả này, nếu chỉ nhìn bên ngoài rất khó để tìm được điểm khác biệt…
Và đánh vào tâm lý ham rẻ, nhiều người dễ dàng bị đánh lừa bởi các chiêu thức quảng cáo từ các sản phẩm này.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn thận, chỉ chọn mua và sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ. Người dân khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng, góp phần bảo vệ chính mình và cộng đồng, nhất là dịp cuối năm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!