Người dân phản đối lò đốt rác vì ô nhiễm khói mùi
Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu xây dựng 16 lò đốt rác, góp phần nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thay thế và đóng cửa dần các bãi chôn lấp không đảm bảo vệ vệ sinh môi trường.
Đầu năm 2022, lò đốt rác đầu tiên của tỉnh Yên Bái theo đề án này xây dựng tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, đến đầu năm nay, lò đốt rác này đã phải đóng cửa trước những kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm khói bụi và mùi khét.
Ngay khi đại diện UBND huyện Văn Yên dẫn phóng viên đến khu vực bể chứa mới xây tại lò đốt rác cũng là lúc người dân tại khu vực xung quanh tìm đến. "Cái khổ lắm" mà những người dân muốn đề cập là việc bị khói thải của lò đốt rác ảnh hưởng sinh hoạt khi lò đi vào hoạt động từ đầu năm 2022.
Trong những hình ảnh mà người dân ghi lại, khói thải từ lò đốt rác có màu đen, lan rộng và xà xuống khu ruộng sản xuất.
Bức xúc vì khói thải, người dân lại cũng khẳng định khi xây dựng lò đốt rác, người dân không được biết, cũng không đồng thuận việc đặt lò đốt rác tại đây. Và đương nhiên, người dân cũng nói không với việc đã có đại diện đi thăm quan mô hình lò đốt tại các địa phương.
Hiện, lò đốt rác vẫn đang tạm dừng hoạt động để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm.
Lò đốt rác… vẫn chờ được đốt
Từ ngày 05/06 - 20/6 vừa qua, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo vận hành trở lại lò đốt để thực hiện việc đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng khói, bụi và mùi phát sinh từ lò đốt rác, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh.
UBND huyện Văn Yên cũng đã thành lập tổ chỉ đạo cùng các nhóm giám sát với đủ các thành viên từ chính quyền địa phương, ngành môi trường, người dân khu vực bị ảnh hưởng để thực hiện việc giám sát, ghi chép, báo cáo thực tế phát sinh toàn thời gian trong quá trình vận hành lò đốt. Đã có những giải pháp được đưa ra sau thời gian vận hành đánh giá để xử lý tình trạng ô nhiễm khói, mùi.
Một bể chứa nước mới với dung tích hơn 50m3. Ống khói thải được nối thêm 10m, nâng độ cao từ 22m lên hơn 30m. Bổ sung thêm một giàn phun dung dịch kiềm xử lý bụi, khí thải… Đây là những giải pháp kỹ thuật được thực hiện sau 15 ngày vận hành lại để đánh giá nguyên nhân gây khói, bụi, mùi, ảnh hưởng tới đời sống người dân khu vực xung quanh.
Việc phân loại, hong phơi rác đạt đến độ ẩm dưới 50% cũng là một trong các biện pháp được yêu cầu thực hiện khi lò đốt hoạt động trở lại. Khắc phục triệt để mới tiếp tục hoạt động. Các giải pháp bước đầu đã được đưa ra từ thực tiễn 15 ngày vận hành đánh giá.
Khó khăn xử lý rác thải sinh hoạt vùng cao
Hiện lò đốt rác tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên vẫn đang tiếp tục chờ đánh giá tổng thể từ phía chính quyền và ngành môi trường địa phương để có thể hoạt động trở lại. Còn việc đem nhà máy di dời đến một địa điểm khác như đề nghị của người dân thì liệu có khả thi với điều kiện thực tế xử lý rác thải tại địa bàn một tỉnh miền núi như Yên Bái?
Vị trí trong hình ảnh trên đây là bãi tập kết và chôn lấp rác của xã Đông Cuông từ nhiều năm trước. Quy hoạch lò đốt rác tại địa điểm này tưởng đã phù hợp nhưng lại thành ra chưa đúng.
Di dời ra chỗ khác như đề nghị của người dân - Giải pháp mà chính quyền địa phương cho biết không phải là không nghĩ tới. Thế nhưng, ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch UBND Xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái - cho biết: "Sau khi sự việc xảy ra, cũng đã được chỉ đạo đi tìm quỹ đất. Nhưng với Đông Cuông, đã tìm rồi nhưng cũng chưa có vị trí nào ổn để đặt".
Bãi chôn lấp rác thải tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên - nơi đang xử lí tạm thời rác cho các địa bàn trên huyện Văn Yên khi lò đốt tạm dừng. Ngay trong ngày mưa, hoạt động san lấp rác theo định kỳ vẫn buộc phải tiến hành - để đảm bảo môi trường.
Giống như tại xã Đông Cuông, bãi rác này cũng sẽ là địa điểm xây dựng một trong những lò đốt rác tiếp theo của tỉnh Yên Bái.
Đã có những kinh nghiệm được rút ra, nhưng để mục tiêu 16 lò đốt rác được xây dựng và đi vào hoạt động từ nay đến năm 2025 thì cái khó phải gỡ không chỉ là vị trí quy hoạch.
Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, lựa chọn công nghệ thiết bị cũng có khó khăn vướng mắc ban đầu. Tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, dân cư phân tán, giao thông chưa thuận lợi nên lựa chọn được vị trí thuận lợi giao thông thì gần khu dân cư; lựa chọn xa dân cư thì rất khó về giao thông, làm hạ tầng nhiều… Bài toán về kinh phí, đầu tư lò liên xã, liên huyện… khi đi vào vận hành thì rác từ địa phương khác mang đến người dân có thể không đồng thuận khi mang rác về địa phương mình.
Hiện, gần 10 trên tổng số 17 bãi chôn lấp rác thải của tỉnh Yên Bái đã đóng cửa. Các bãi còn lại sẽ đóng cửa dần khi các lò đốt rác được xây dựng thay thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!