Lỗ hổng trong công tác giám sát chất lượng sữa bột

VTV Digital-Thứ tư, ngày 28/12/2022 20:09 GMT+7

VTV.vn - Từ vụ sản xuất sữa bột quy mô lớn thay đổi thành phần nguyên liệu tại Hải Dương đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác giám sát chất lượng sữa bột.

Liên quan tới quá trình sản xuất sữa bột của Công ty Cổ phần sữa Hà Lan, tại Nhà máy nằm trên địa bàn phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, vào hồi cuối tháng 8/2022, C05 Bộ Công an đã đồng loạt tiến hành kiểm tra 4 địa điểm là trụ sở, chi nhánh, kho hàng trực thuộc doanh nghiệp này và phát hiện hành vi sản xuất sữa bột giả, kém chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 65/67 lô hàng hóa có chỉ tiêu dưới 70% so với mức doanh nghiệp công bố chất lượng hoặc ghi nhãn.

Theo bảng giá niêm yết, một hộp sữa có giá 850.000 đồng nhưng khi bỏ tiền ra mua sữa kém chất lượng, sữa giả thì người tiêu dùng không chỉ mất tiền, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe vì trên nhãn mác ghi đây là sữa dành cho đối tượng đặc biệt như người già, trẻ em, phụ nữ sau sinh hoặc những người bệnh tiểu đường, người bệnh sau phẫu thuật…

Theo hồ sơ, trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ tính riêng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương, đơn vị này đã cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 47 loại sữa bột của Công ty Cổ phần sữa Hà Lan. Đây là điều kiện bắt buộc để các loại sữa bột này có thể lưu thông ra thị trường.

Trên tờ tiếp nhận cũng ghi rõ: Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Còn theo quy định, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải tập trung ở khâu hậu kiểm sau khi cấp phép.

Lỗ hổng trong công tác giám sát chất lượng sữa bột  - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Nam - Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương nói: "Hậu kiểm không thể thường xuyên được. Ý thức của doanh nghiệp là quan trọng. Lỗi để chỉ tiêu sản phẩm không đạt thì trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp".

Ngoài cuộc kiểm tra đình kỳ 1 năm 1 lần về điều kiện sản xuất thực tế của cơ sở để công tác hậu kiểm có hiệu quả và đi vào thực chất thì việc lấy mẫu giám sát chất lượng sữa sau khi cấp phép mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong suốt 2 năm qua, chỉ mới duy nhất một lần cơ quan quản lý thực hiện lấy mẫu sữa bột kiểm nghiệm tại nơi sản xuất, trong một lần kiểm tra định kỳ mà doanh nghiệp đã được báo trước.

"Năm 2022, chúng tôi chưa lấy mẫu vì năm nay đi theo chuyên đề khác. Năm 2021, chúng tôi có lấy mẫu và cơ sở đạt tiêu chuẩn. Lúc đó lấy mẫu tại doanh nghiệp", ông Trần Đình Nam cho biết.

Ông Nguyễn Văn Vỹ - Trưởng Phòng y tế UBND thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương cho hay: "Trong đoàn kiểm tra không đầy đủ những thành phần đủ điều kiện lấy mẫu. Đấy cũng là một khó khăn".

Lỗ hổng trong công tác giám sát chất lượng sữa bột  - Ảnh 2.

Sau khi được cấp xác nhận công bố chất lượng, doanh nghiệp đã liên tiếp đưa ra thị trường hàng chục loại sữa khác nhau với các mác thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt dành cho người bệnh. Với tác dụng không khác gì thần dược, thậm chí trên mỗi sản phẩm đều ghi "Sữa non nhập khẩu từ Mỹ".

Thực tế, một số nguyên liệu dùng để pha trộn sữa bột được đựng trong những thùng phuy cáu bẩn và cũng không có công đoạn tiệt trùng nào trong quá trình bao gói, đóng hộp cho sữa thành phẩm.

Còn chất lượng sữa, theo tài liệu điều tra, chủ doanh nghiệp đã chỉ đạo nhân viên phối trộn, cắt bớt thành phần dinh dưỡng không giống như công bố để gia tăng lợi nhuận khi bán cho người tiêu dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước